Sự sang trọng, tinh khiết, vẻ đẹp tinh tế và tỏa sáng khiến kim cương luôn được xếp hạng đầu tiên trong các dòng đá quý. Chất lượng tổng thể của kim cương được đánh giá chính xác dựa trên tiêu chuẩn 4C của GIA. Trong đó, màu sắc của kim cương là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của chúng. Cùng tìm hiểu về bảng màu kim cương, những lưu ý khi lựa chọn trong bài viết này.
Màu sắc của kim cương tự nhiên theo GIA
Trong tự nhiên, kim cương được hình thành dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất đặc biệt. Cùng với đó là những phản ứng vật lý và hóa học thúc đẩy để tạo nên kim cương. Bởi quá trình này trải dài hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nên kim cương tự nhiên mang nhiều màu sắc khác nhau. Để đánh giá chúng, người ta sử dụng thang màu GIA.
GIA là gì?
GIA là tên viết tắt của Gemological Institute of American (Viện Đá quý Hoa Kỳ). Được thành lập từ năm 1931, đến nay, đây vẫn là nơi giám định đá quý, kim cương hàng đầu thế giới. Theo đó, GIA đã xây dựng hệ thống kiểm định dựa trên tiêu chuẩn 4C với kim cương, đá quý. Đó là Carat – trọng lượng, Color – màu sắc, Clarity – độ tinh khiết, Cut – giác cắt.
Khi kim cương được giám định, GIA sẽ cung cấp giấy kiểm định bao gồm các thông tin quan trọng nhất. Cụ thể là kết cấu, hình dạng, đường nét, màu sắc, trọng lượng, cách cắt, tỷ lệ. Đồng thời, trên giấy thể hiện rõ cả phương pháp áp dụng để xử lý khi kiểm tra kim cương.

Bảng màu kim cương tự nhiên
Nhìn chung, màu sắc của kim cương thường là màu trắng hoặc không màu. Bảng nước màu kim cương là thang đo phản ánh độ trắng của chúng. Trong bảng phân màu của GIA, kim cương tự nhiên được xếp loại theo chữ cái, giảm dần từ D tới Z. Theo đó, D là cấp độ cao nhất chỉ viên kim cương trong suốt hoặc có màu nhưng không đáng kể. Ngược lại, Z là mức thấp nhất nghĩa là kim cương ánh vàng nhất, kém giá trị nhất.
Thang màu GIA phân tầng theo chữ cái chỉ áp dụng với kim cương không màu. Cụ thể:

Cấp độ D, E, F
Đây là ba mức độ cao nhất khi đánh giá màu sắc của kim cương. Trong đó, D đại diện cho sự hoàn hảo, là viên kim cương trong suốt, không màu, không tỳ vết. Vì thế, chúng cũng là loại hiếm nhất, có giá trị cao nhất trong thế giới kim cương.
Kim cương loại E và F xếp vị trí sau loại D cũng được đánh giá rất cao. Bởi chúng sở hữu độ trong suốt gần như hoàn hảo, chỉ có một số vệt màu rất nhỏ. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, không thể phát hiện những vệt này.
Cấp độ G, H, I, J
Trong bảng màu kim cương, các mức này được xếp vào nhóm gần như không màu. Chúng ánh màu vô cùng nhẹ, phải có sự hỗ trợ của thiết bị chuyên dụng mới nhận thấy. Dù thế, giá trị kim cương của nhóm này chỉ bằng ½ so với phân loại D. Còn trong cùng nhóm, giá thị trường kim cương từ G đến J sẽ dao động chênh nhau 10 – 20% theo thứ tự sắp xếp.
Những loại kim cương ở cấp độ này được sử dụng nhiều trong các thiết kế trang sức vàng trắng hoặc bạch kim. Vì biểu hiện có màu của chúng sẽ được triệu tiêu, khiến viên kim cương trở nên như trong suốt hoàn toàn.
Cấp độ K, L, M
Đây là nhóm màu sắc của kim cương tự nhiên có màu nhận biết được nếu quan sát kỹ bằng mắt thường. Chúng có màu hơi ánh vàng hoặc ánh nâu nhẹ, trong đó sự nhuốm màu ở kim cương loại K khó nhận biết hơn hai loại còn lại. Nhóm này giá trị không quá cao, phù hợp với ngân sách của nhiều người hơn.
Cấp độ từ N đến Z
Màu sắc của kim cương nhóm này sẽ có màu vàng hoặc nâu, có một số viên nhuốm màu xanh lục. Kim cương cấp độ N, O, P, Q, R sắc vàng nhạt, kim cương cấp độ từ S đến Z xu hướng ngày càng vàng, nâu hơn. Do vậy, kim cương phân loại cấp độ này giá trị tương đối thấp và gần như không được ưa chuộng nhiều.
Kim cương có bao nhiêu màu?
Như đã đề cập ở phần trên, thang màu GIA theo bảng chữ cái chỉ áp dụng với nhóm kim cương không màu. Với kim cương có màu sắc rõ rệt, chúng sẽ được gọi tên theo mô tả màu và cường độ màu. Những màu này được tạo thành do cấu trúc nguyên tử phá vỡ hoặc từ phản ứng với các tạp chất. Bảng màu nước kim cương cũng chia thành các màu phổ biến như sau:
Kim cương màu xanh
Màu xanh của kim cương hình thành do sự tiếp xúc của chúng với bức xạ tự nhiên. Trong quá trình đó, chúng hấp thụ màu vàng và đỏ của dải quang phổ và tạo nên màu xanh lục. Thực tế, kim cương xanh có thể biến đổi thành màu xám nhẹ hoặc màu vàng tùy theo điều kiện thực tế.

Kim cương màu vàng
Trong hệ thống màu sắc của kim cương nhóm có màu, kim cương vàng là loại có giá trị cao nhất. Nguyên nhân bởi chúng ít phai màu, thậm chí không bị biến đổi màu theo thời gian. Nam Phi là nơi tìm thấy kim cương màu vàng đầu tiên cũng là địa điểm khai thác được nhiều kim cương loại này nhất.
Kim cương màu cam
Khi cấu trúc phân tử kim cương có chứa nitơ với sự sắp xếp đặc biệt có khả năng hấp thụ ánh sáng xanh làm và vàng tạo nên màu cam của chúng. Chính vì màu sắc này mà kim cương cam còn được gọi là kim cương lửa hay kim cương bí ngô. Một số biến thể màu sắc thường gặp của kim cương màu cam là vàng, hồng và nâu.
Kim cương màu nâu
Loại kim cương này khá phổ biến trong tự nhiên. Tạp chất niken hoặc khuyết tật mạng cấu trúc dạng dẻo là yếu tố chính tạo thành sắc nâu của kim cương. Trên thị trường, kim cương màu nâu không được đánh giá cao về giá trị bằng các màu sắc của kim cương khác. Tuy nhiên, vị thế của viên kim cương này cũng được cải thiện trong những năm gần đây.
Kim cương màu đen
Sự bí ẩn và đặc biệt quý hiếm khiến kim cương đen trở thành “vedette” trong bảng màu kim cương. Chúng là dạng hình thù cứng nhất của kim cương. Màu đen tự nhiên được hình thành bởi nhiều tạp chất (chủ yếu là than chì) tồn tại và dày khít bên trong. Kim cương đen kết hợp được với nhiều trang sức nhưng việc đánh bóng và chế tác gặp khá nhiều khó khăn.
Kim cương màu hồng
Sự biến đổi của cấu trúc tinh thể ảnh hưởng do nhiệt độ và áp suất khiến kim cương hấp thụ ánh sáng xanh lá. Chính điều này đã tạo nên màu hồng đầy nữ tính của viên kim cương. Màu hồng của kim cương cũng được phân loại theo nhiều sắc thái. Đó là hồng mờ nhạt, hồng mờ nhẹ, hồng nhẹ, hồng sáng đến hồng sáng đậm, hồng đậm, hồng sống động. Khác với kim cương trong suốt, với kim cương hồng, màu càng đậm thì càng có giá trị cao.

Kim cương màu đỏ
Theo bảng màu sắc của kim cương, kim cương đỏ được cho là mức độ đậm nhất của kim cương hồng. Còn thực tế chính xác yếu tố hình thành sắc đỏ của kim cương vẫn chưa được xác định. Trong các dòng kim cương, chúng là loại quý hiếm nhất và đắt đỏ nhất. Thậm chí, đến nay người ta mới chỉ tìm thấy chưa đến 30 viên kim cương đỏ tự nhiên.
Kim cương màu tím
Xét về mức độ quý hiếm, kim cương tím không hề kém cạnh kim cương đỏ. Để có được màu tím lãng mạn, kim cương thô khi hình thành tiếp xúc với nồng độ hydro cao. Nồng độ càng càng, thời gian tiếp xúc càng lâu thì màu tím càng đậm. Đa số kim cương tím được tìm thấy có kích thước nhỏ. Những viên trên 5 carat chỉ đếm trên đầu ngón tay và có mức giá “trên trời”.
Kim cương màu trắng
Không ít người nhầm lẫn giữa kim cương trắng và kim cương không màu. Sắc trắng của kim cương được tạo ra do nhiều tạp chất với kích thước siêu nhỏ. Khi ánh sáng xuyên qua và tán xạ sẽ tạo nên vẻ ngoài màu trắng đục hoặc trắng sữa. So với một số dòng kim cương màu thì kim cương trắng dễ tìm thấy trong tự nhiên hơn.
Mối quan hệ giữa màu sắc của kim cương và huỳnh quang kim cương
Huỳnh quang của kim cương là ánh sáng nhìn thấy khi chúng tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (hay tia UV). Bức xạ UV từ ánh mặt trời, đèn huỳnh quang,… mắt người không nhìn thấy được. Kim cương tự nhiên thể hiện huỳnh quang mạnh nhất với tia UV sóng dài. Còn kim cương tổng hợp lại mạnh nhất dưới tia UV sóng ngắn. Không phải tất cả kim cương đều phát quang. Trong một số trường hợp với điều kiện phù hợp, nhiều người có khả năng thấy huỳnh quang ở 30 – 35% kim cương.
Giữa màu sắc của kim cương và độ huỳnh quang của kim cương có mối liên hệ trực tiếp. Màu kim cương có thể bị thay đổi bởi huỳnh quang. Độ huỳnh quang của kim cương phát ra mạnh hay yếu cũng ảnh hưởng đến giá trị của chúng. Các cấp độ huỳnh quang theo thang GIA là None (không có), Faint (yếu), Medium (trung bình), Strong (mạnh), Very strong (rất mạnh).
Huỳnh quang phổ biến nhất có thể thấy ở kim cương là màu xanh lam. Ngoài ra, ở một số trường hợp hiếm hoi, chúng phát sáng màu vàng, cam, trắng, thậm chí là đỏ. Huỳnh quang màu xanh sẽ làm cho kim cương vàng nhạt dưới ánh sáng mặt trời trông như trong suốt. Điều này là do sự đối lập giữa hai màu vàng và xanh lam triệt tiêu lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu độ huỳnh quang phát ra quá mạnh, màu sắc của kim cương trông đục hẳn làm giảm giá trị của chúng.
Top 3 điều cần cân nhắc về màu sắc của kim cương
Ngoài huỳnh quang của kim cương thì màu sắc của chúng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác. Dưới đây là 3 điều bạn nên lưu ý với màu sắc của kim cương:
Trọng lượng
Trọng lượng kim cương càng lớn thì cấp độ màu thể hiện càng rõ ràng. Nếu bạn đang tìm viên kim cương chỉ dưới 1 carat, lựa chọn tốt nhất là phân loại màu I, J, K. Còn bạn mong muốn sở hữu kim cương trên 1 carat, cấp độ màu H trở lên mới giúp bạn thấy rõ vẻ đẹp của chúng.

Giác cắt
Để giúp ẩn màu, nhiều người thợ kim hoàn đã thực hiện những kiểu giác cắt lạ mắt. So với dạng cắt tròn, giá trị của viên kim cương có giác cắt độc đáo, mới lạ cũng thấp hơn khoảng 25%. Do đó, đa số các đơn vị chế tác hiện nay đều vận dụng cách này, vừa tăng sự nổi bật cho kim cương vừa mang đến mức giá đỡ “đau ví” hơn rất nhiều.
Chất liệu thiết kế trang sức
Màu sắc của kim cương cũng có liên quan đến chất liệu thiết kế. Ví dụ, vàng trắng hoặc bạch kim sẽ phù hợp với kim cương cấp độ màu cao như D, E, F. Sự kết hợp này giúp chúng phô bày hết sự lung linh và khẳng định giá trị của mình. Nếu chọn kim cương trong thiết kế sử dụng vàng vàng hay vàng hồng thì nên là thang màu thấp như G, H, I. Bởi ánh vàng ấm áp khiến nước màu của chúng trở nên trong suốt hơn đáng kể.
Rõ ràng, màu sắc của kim cương đóng vai trò vô cùng quan trọng để đánh giá giá trị của chúng. Qua những thông tin được cung cấp, hy vọng đã giúp bạn có sự lựa chọn màu sắc chính xác cho viên kim cương của mình. Và màu kim cương đẹp nhất không phải màu hiếm nhất mà là màu phù hợp với bạn nhất bởi mỗi màu sắc đều có nét đẹp riêng.