Các kiểu áo cưới với những mẫu cách điệu độc đáo ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, trong đám cưới vẫn không thể thiếu được kiểu váy truyền thống của mỗi vùng, mỗi quốc gia.
Thời đại công nghệ số với những thay đổi liên tục và xu hướng váy cưới cũng không ngoại lệ.Từ váy cưới ngắn, váy cưới crop-top,…đến váy cưới màu, váy đuôi cá phù hợp cho mọi cá tính của cô dâu. Nhưng dù có bao nhiêu đổi thay thì sự xuất hiện của váy cưới truyền thống mang hồn cốt dân tộc vẫn luôn phải có. Cùng CELEB WEDDING tìm hiểu các kiểu áo cưới của một số nước châu Á nhé.
Việt Nam
Quốc phục của nước ta là áo dài và đây cũng là trang phục cưới từ xa xưa của người Việt. Ngày nay có nhiều cách điệu trong tà, cổ áo nhưng kiểu truyền thống là chiếc áo dài hai hoặc bốn tà, cổ cao. Màu sắc chủ đạo thường là đỏ, hồng phấn hoặc vàng với các họa tiết, hoa văn mang ý nghĩa hạnh phúc, thịnh vượng. Khi thực hiện nghi lễ, sẽ có thêm một chiếc áo choàng bên ngoài cùng màu.
Có thể nói áo cưới truyền thống Việt Nam là một trong các kiểu áo cưới đơn giản nhất. Cổ áo, cổ tay áo, lưng áo có thể được thêu tên đôi uyên ương hay một số biểu tượng của tình yêu như đôi chim bồ câu, trái tim…Trang trọng và đúng nét xưa hơn thì cô dâu sẽ đội thêm một chiếc mấn. Hiện nay, áo dài cưới chủ yếu được mặc trong lễ ăn hỏi hoặc để tiếp đón quan khách.
Hàn Quốc
Hanbok là trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc. Đây cũng là kiểu áo cưới truyền thống ở xứ sở kim chi với những cách điệu khá cầu kì. Trang phục cưới này thể hiện sự kín đáo, duyên dáng đúng chất Hàn từ thời xưa.
Kết hợp với hanbok cưới thường là giày hình thuyền làm từ vải lụa đi cùng tất trắng. Không thể thiếu được chiếc mũ đội đầu nhỏ xinh và dải khăn trắng thêu hoa sặc sỡ. Họa tiết thường được dùng để trang trí trên khăn quàng hoặc thắt lưng của cô dâu là vịt và sếu. Hai con vật này biểu trưng cho hạnh phúc bền lâu và ước mong trường thọ. Các kiểu áo cưới lấy ý tưởng từ hanbok hiện nay vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng này.
Trung Quốc
Váy cưới truyền thống của người Trung Quốc có sự khác biệt cơ bản giữa các miền. Ở miền Bắc sử dụng xường xám thêu rồng phượng bằng chỉ vàng chỉ bạc. Ở miền Trung, cô dâu lại mặc áo và váy tách rời nhưng vẫn sử dụng họa tiết long phụng. Bởi đây vốn là biểu tượng của sự hòa hợp âm dương, cũng là mong vợ chồng thuận hòa.
Đồ cưới truyền thống của chú rể được may bằng lụa đen thêu rồng đỏ. Nhưng sau này, các kiểu áo cưới của nam và nữ đều có màu đỏ giống nhau. Người Trung Quốc quan niệm màu đỏ mang lại may mắn, xua đuổi tà ma. Đây cũng là màu của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi với nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Nhật Bản
Cô dâu Nhật có không ít lựa chọn các kiểu áo cưới cho ngày trọng đại. Nhưng với đất nước có một nền văn hóa uy nghiêm bậc nhất Á Đông thì áo cưới vẫn có những quy tắc nhất định. Dù đổi thay ra sao, cách tân thế nào thì tất cả đều dựa trên nét truyền thống của kimono.
Trong đám cưới ở xứ sở mặt trời mọc, cô dâu mặc trang phục cưới lúc làm lễ và sau lễ khác nhau. Khi tiến hành các nghi lễ, cô dâu mặc shiro-maku, tức là kimono màu trắng với ý nghĩa trong sáng, trinh nguyên. Sau khi làm lễ, cô dâu sẽ tiếp khách bằng việc khoác thêm chiếc áo choàng sặc sỡ tên uchikake. Áo choàng này được may từ lụa, họa tiết thường phức tạp như phong cảnh và chủ đạo là các màu sáng.
Ấn Độ
Sari là váy cưới truyền thống của người Ấn từ xưa đến nay. Đây được coi là chiếc váy cưới cầu kì, được làm tỉ mỉ nhất trong các kiểu áo cưới. Vì người Ấn Độ rất coi trọng nghi lễ với việc tổ chức lễ cưới tốn kém, thời gian có thể kéo dài tới 5 ngày.
Hiểu đơn giản, sari là một dải khăn khoảng 4 – 9m được quấn quanh người cô dâu. Tùy theo vùng miền mà cách thức cuốn khác nhau, phổ biến hơn cả là quấn quanh eo rồi vắt qua vai. Bộ trang phục cưới hoàn chỉnh bao gồm sari, áo trong và chân váy dài. Sắc đỏ cũng là màu được ưa chuộng tại đây. Để thể hiện sự vương giả, sari được đính càng nhiều đá quý và kim sa càng tốt. Thậm chí phải mất đến vài tháng trời khâu tay, đính đá mới hoàn thành một chiếc sari.
Thái Lan
Đúng chất hoàng gia nhất có lẽ là váy cưới của Thái Lan. Sabai chỉ được sử dụng trong đám cưới hay các dịp đặc biệt quan trọng. Ngày thường chẳng ai chọn mặc một bộ sabai sang trọng và vô cùng cầu kì đâu. Sabai dùng chất liệu lụa, nhiều màu sắc tinh tế, thoải mái nhưng cũng rất thanh lịch. Kiểu mặc “nửa kín nửa hở” của kiểu váy cưới này cũng tạo nên sức hấp dẫn rất riêng.
Các kiểu áo cưới của các nước ngày nay đều đã có những thay đổi nhất định. Nhưng vẫn dễ tìm thấy sự truyền thống ở đó vì đây là cái hồn dân tộc được lưu giữ. Hi vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu hơn về những mẫu váy cưới truyền thống ở châu Á. Biết đâu đấy bạn có thể tìm thấy vài ý tưởng để thiết kế váy cưới cho mình qua đây.