Kim cương tím là một trong những loại kim cương màu vô cùng quý hiếm và có giá trị cao. Màu tím vốn là màu sắc của hoàng gia nên kim cương tím còn là món đồ trang sức quý giá và đắt tiền mà chỉ những người giàu có trong giới quý tộc mới có thể sở hữu. Vậy kim cương tím là gì và tại sao nó lại được gọi là báu vật hoàng gia? Mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin thú vị trong bài viết dưới đây.
Tổng quan thông tin về kim cương tím
Kim cương tím – loại kim cương có màu sắc vô cùng bí ẩn. Vẻ đẹp của loại kim cương này khiến bao người say đắm và chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để sở hữu chúng.
Kim cương tím là gì?
Kim cương tím có tên tiếng Anh là Violet diamond, là một trong những loại đá quý hiếm hơn kim cương không màu và có màu tím đặc trưng. Màu tím của loại kim cương này được tạo ra bởi các tạp chất như hydro và boron trong mạng tinh thể. Cũng giống như kim cương đen, kim cương tím cũng không được phân loại theo thang màu từ D đến Z như kim cương không màu.
Kim cương tím đôi khi còn được gọi các tên khác như: Kim cương nho, kim cương hoa lan, kim cương hoa oải hương, kim cương mận, kim cương tử đinh hương, kim cương màu hoa cà,…

Nguồn gốc và sự hình thành kim cương tím
Kim cương tím tự nhiên cũng phải trải qua quá trình hình thành lâu dài ở sâu trong lòng đất, các phân tử cacbon liên kết với nhau dưới áp suất và nhiệt độ lớn để tạo thành các tinh thể kim cương. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc của kim cương, trong đó yếu tố tạp chất trong thành phần của viên kim cương có thể tạo ra màu sắc đặc biệt này. Các tạp chất mà người ta thường tìm thấy được trong kim cương màu tím bao gồm hydro và boron. Và để có được một viên kim cương mang màu tím tự nhiên, quặng kim cương thô phải được tiếp xúc với nồng độ hydro cao khi nó hình thành. Các phân tử hydro có nồng độ cao và ở gần viên kim cương thô càng lâu thì màu tím của kim cương sẽ càng đậm.
Kim cương tím tự nhiên hầu hết đều có nguồn gốc từ các mỏ kim cương tại Nga, Canada, và Úc. Chỉ có khoảng 1% kim cương tự nhiên có màu tím được tìm thấy trong tổng số kim cương được khai thác tại những khu mỏ này. Do đó, kim cương tím tự nhiên được xếp thứ hai về độ quý hiếm so với kim cương đỏ tự nhiên.
Các loại kim cương tím
Kim cương tím được phân thành 3 loại là kim cương màu tím tự nhiên, kim cương xử lý nhiệt màu tím và kim cương tím nhân tạo. Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng biệt, cụ thể như sau:
Kim cương màu tím tự nhiên
Kim cương màu tím tự nhiên là các viên kim cương được hình thành sâu trong lòng đất trong điều kiện tự nhiên. Do tác động của các tạp chất như hydro và boron nên chúng có màu tím độc đáo. Những viên kim cương này thường rất hiếm và có giá trị rất cao trong ngành trang sức đá quý kim cương.
Kim cương xử lý nhiệt màu tím
Kim cương xử lý nhiệt màu tím là những viên kim cương tự nhiên, có thể là kim cương không màu hoặc các loại kim cương màu khác đã được xử lý bằng nhiệt để thay đổi màu sắc sang màu tím. Phương pháp này thường được sử dụng để cải thiện màu sắc và giá trị của viên kim cương. Tuy nhiên, trên thực tế giá trị của các viên kim cương này thường thấp hơn nhiều so với kim cương tím tự nhiên.

Kim cương tím nhân tạo
Kim cương tím nhân tạo là các viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp tổng hợp hóa học dựa trên việc mô phỏng lại quá trình hình thành của kim cương. Chúng cũng được tạo ra bằng cách sử dụng áp suất và nhiệt độ cao để tạo ra màu sắc tím đặc trưng. Và loại kim cương này cũng có giá trị thấp hơn so với kim cương tím tự nhiên.
Kim cương tím giá bao nhiêu?
Vì mức độ khan hiếm mà kim cương tím có giá khá cao. Trên thị trường hiện nay, giá cả của một viên kim cương có màu tím có thể dao động từ vài ngàn đô la cho đến hàng trăm ngàn đô la. Nhìn chung, giá của loại kim cương này cũng phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như màu sắc, giác cắt, lượng tạp chất, trọng lượng,… Chẳng hạn một viên kim cương giác cắt tròn màu Fancy Pink Purple 0,42 carat có giá 15.210 đô la, trong khi đó một viên có giác cắt Cushion màu Fancy Deep 0,40 carat lại có giá 38.100 đô la.
Ngoài ra, màu sắc cũng góp phần rất lớn đối với giá trị của loại kim cương này. Màu tím càng đậm thì giá trị càng đắt. Đồng thời, nguồn gốc của những viên kim cương được xử lý trong phòng thí nghiệm và những viên kim cương tồn tại tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức giá của loại kim cương này.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của kim cương tím
Cũng giống như các loại kim cương khác nói chung, các yếu tố quan trọng nhất để xác định giá trị của kim cương có màu tím bao gồm màu sắc, độ tinh khiết, trọng lượng và giác cắt.
Màu sắc
Màu sắc là yếu tố đầu tiên quyết định đến giá trị của một viên kim cương tím. Trong tiêu chuẩn định giá kim cương màu, chỉ một sự khác biệt nhỏ về màu sắc cũng có thể dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về giá trên mỗi carat. Vì thế một viên kim cương có màu tím đậm và sẽ có giá trị cao hơn so với một viên có màu tím nhạt hoặc có màu sắc kém.
Có 3 tiêu chí đánh giá màu sắc của kim cương tím: Tông màu, màu sắc, độ bão hòa.
Do màu tím là sự kết hợp giữa màu đỏ và màu xanh lam nên tiêu chuẩn GIA sẽ phân biệt giữa kim cương đỏ tím và kim cương xanh tím. Còn kim cương có màu tím chuẩn tông thường rất hiếm nên có giá trị cao hơn.
Cùng với phân loại màu sắc, để mô tả rõ các tông màu tím và độ bão hòa, GIA phân loại màu của kim cương tím một cách kỹ càng hơn, bao gồm các loại màu sau:
- Màu tím (Fancy)
- Màu tím nhạt (Fancy Light)
- Màu tím đậm (Fancy Intense)
- Màu tím sống động/ rực rỡ (Fancy Vivid)
- Màu tím mạnh/ sâu (Fancy Deep)
- Màu tím sậm (Fancy Dark)
Đa số các viên kim cương tím đều có chứa các ánh màu thứ cấp là đỏ, hồng, xanh lam hoặc xám. Bởi vậy mà nó ảnh hưởng đến màu sắc và tác động đáng kể đến giá trị của viên kim cương. Do đó, giá của các viên kim cương tím cũng có sự khác nhau.

Độ tinh khiết
Độ tinh khiết cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị của một viên kim cương tím. Bởi các tạp chất có trong kim cương sẽ quyết định đến độ lấp lánh và vẻ đẹp của viên đá. Vì thế, một viên kim cương có màu tím có độ tinh khiết cao sẽ có giá trị cao hơn so với một viên có nhiều tạp chất.
Tuy nhiên, đo độ quý hiếm mà một viên kim cương có màu tím có lượng tạp chất nhỏ cũng không thật sự ảnh hưởng nhiều đến giá trị của nó. Sự xuất hiện của các đám mây và tạp chất sẫm màu thường có trong kim cương này làm giảm độ trong của đá nên kim cương tím tự nhiên có độ tinh khiết trong khoảng SI1 đến I2, còn độ trong từ VS2 trở lên rất hiếm và có giá bán vô cùng cao. Một viên kim cương tím có thể chứa tạp chất nhìn được bằng mắt thường nhưng nếu màu sắc đủ tốt thì giá trị vẫn rất cao.
Trọng lượng
Trọng lượng của kim cương tím cũng ảnh hưởng đến giá trị của nó. Bởi trong tự nhiên, việc tìm thấy một viên kim cương tím có kích thước lớn là vô cùng khó nên nó sẽ có giá trị cao hơn nhiều lần so với những viên nhỏ hơn có cùng chất lượng. Và hầu hết những viên kim cương màu tím đều có trọng lượng dưới 1 carat, còn trên 5 carat là cực kỳ hiếm và thường được mang ra bán đấu giá. Giá của mỗi viên kim cương tím tỉ lệ thuận với trọng lượng carat của nó.
Chất lượng chế tác (giác cắt)
Một viên kim cương tím được chế tác tốt sẽ có giá trị cao hơn so với một viên có cùng chất lượng nhưng lại bị chế tác kém hơn. Những giác cắt lạ mắt được ưa chuộng nhất đối với kim cương màu tím. Tiếp theo là các kiểu cắt phổ biến như hình quả lê, hình bầu dục, hình trái tim, marquise. Mặc dù đối với các loại kim cương màu nói chung, kiểu cắt tròn (round-brilliant) sẽ giúp phô diễn độ lấp lánh nhưng đối với kim cương màu tím, kiểu cắt này thường không được áp dụng vì không phát huy hết độ rực màu của kim cương màu tím.
Ý nghĩa của kim cương màu tím
Đối với mỗi nền văn hóa, kim cương tím lại mang những ý nghĩa riêng biệt. Dưới đây là các ý nghĩa của kim cương có màu tím trong văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông.
Ý nghĩa trong văn hóa phương Tây
Người phương Tây cho rằng màu tím của kim cương là màu tượng trưng cho niềm đam mê, sự bí ẩn và vẻ đẹp của hoàng gia. Vì thế mà trong nhiều thế kỷ, màu tím được công nhận là màu của hoàng gia khi nhiều quý tộc tự hào mặc các trang phục và đeo phụ kiện màu tím, đồng thời khắp các khu hoàng gia của họ cũng được trang trí với phong cách có màu tím.
Kim cương tím với nguồn năng lượng của đất trời còn đem lại cho chủ nhân sự bình tĩnh và đem lại sự cân bằng trong cuộc sống của họ.
Nhẫn đính hôn hay các loại trang sức khác được đính kim cương màu tím được xem là mang lại may mắn và sự giàu có nên thường có giá trị cao.

Ý nghĩa trong văn hóa phương Đông
Theo văn hóa của người phương Đông, nguồn năng lượng tiềm ẩn mạnh mẽ bên trong kim cương màu tím giúp chủ nhân tăng cường sự tự tin, sức mạnh và sự kiên trì trong cuộc sống, giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu và sự bất an trong tâm trí.
Ngoài ra, kim cương tím còn được coi là đại diện cho sự bền vững và tinh thần trường tồn, vĩnh cửu, là biểu tượng của sự chân thành và sự tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu. Vì thế nó thường là tín vật được dùng để trao nhau trong các dịp kỷ niệm hay lễ cưới.
Ý nghĩa trong chế tác trang sức
Sự hiếm có khó tìm đã làm tăng giá trị của kim cương tím, bởi thế mà đồ trang sức có đính những viên kim cương này đang được săn lùng nhiều nhất. Màu tím hoàng gia của kim cương màu tím luôn có sức hút rất lớn đối với phái đẹp. Một số thiết kế nhẫn kim cương tím đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay. Phải kể đến là:
- Nhẫn kim cương màu tím thiết kế Solitaire: Là chiếc nhẫn được thiết kế với duy nhất một viên kim cương tím nằm ngay chính giữa đai nhẫn, và đây là thiết kế được ưa chuộng nhất. Kiểu thiết kế này giúp phô diễn được tất cả giá trị của viên kim cương.
- Nhẫn thiết kế đai nhẫn chéo: Là kiểu đai nhẫn được thiết kế chồng chéo lên nhau (cross-band ring). Kiểu đai nhẫn cầu kỳ này đang được thịnh hành gần đây và chính là thiết kế hoàn hảo để tôn lên vẻ đẹp của viên kim cương.
- Nhẫn thiết kế có kim cương không màu bao quanh hai bên: Kiểu thiết kế này thì phần trung tâm của nhẫn là kim cương màu tím, hai bên được bao quanh bởi các viên kim cương không màu. Kiểu thiết kế này đòi hỏi viên kim cương màu tím phải có độ lớn vừa đủ.
Với màu sắc hiếm có được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng, kim cương tím mang một vẻ đẹp huyền bí, cao quý và quyền lực, mang đẳng cấp hoàng gia. Vốn nằm trong top những màu kim cương hiếm có khó tìm bậc nhất thế giới, kim cương tím đối với những người “sành” về kim cương luôn là một thứ gì đó vô cùng cuốn hút mà ai cũng mong muốn được sở hữu nó.