Tổ chức đám cưới ở xa nếu không tính toán hợp lý sẽ rất khó khăn. Việc nắm rõ kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa giúp đám cưới diễn ra suôn sẻ, tiết kiệm hơn.
Vì khoảng cách địa lý xa xôi, các công việc chuẩn bị cho đám cưới khó tránh khỏi cần nhiều thời gian và công sức. Nhà chú rể Đình Cương (Hà Nội) cách nhà cô dâu Hải Hồng (Nghệ An) hơn 300km. Kinh nghiệm tổ chức đám cưới xa của họ là gì để đám cưới vẫn trọn vẹn? Hãy lắng nghe chú rể Đình Cương chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa của chính mình.
Tiến hành gộp ngày cưới và lễ ăn hỏi làm một
Nghi lễ đón dâu và ăn hỏi luôn là hai phần lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt, thường tổ chức riêng. Tuy nhiên, vì giới hạn địa lý, hai gia đình có thể tổ chức gộp chung hai nghi lễ làm một. Cái hay của cách tổ chức này là vừa mang lại lễ cưới ấm áp, vừa giúp cặp đôi tiết kiệm thời gian, chi phí.
“Hai nhà chúng tôi cách nhau 327km, nếu tổ chức lễ ăn hỏi và đón dâu theo thông lệ thì nguyên thời gian đi lại sẽ mất rất thời gian. Chưa kể, gia đình tôi toàn người trung và cao tuổi đi lại nhiều sẽ mất sức. Tiền thuê xe 2 lần cũng mất cả chục triệu nên 2 gia đình thống nhất gộp chung 1 ngày cho tiện và tiết kiệm.”, anh Cương chia sẻ. Lịch trình đón dâu và ăn hỏi theo lời kể của chú rể Đình Cương như sau:
- Chiều trước ngày đón dâu hoặc buổi sáng cùng ngày, gia đình nhà trai cùng đội bê tráp tiến vào nhà gái, tiến hành các nghi thức ăn hỏi như thông lệ. Lễ ăn hỏi kết thúc, nhà trai xin phép tiến ra ngoài phía cổng.
- Nhà trai “ra về”, tức là tiến ra phần cổng nhà gái rồi quay lại tiến hành nghi thức đón dâu như bình thường. Khoảng thời gian chờ giữa phần lễ ăn hỏi và đón dâu nên từ 5 – 10 phút nhằm tránh bị cập rập.
*Lưu ý: Một trong những kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa là bạn nên đặt tráp ở phía nhà gái. Bởi vì, trong quá trình đi lại đường xa, lễ vật có thể bị đổ, xô lệch gây mất thẩm mĩ, tiết kiệm chi phí vận chuyển và đồ lễ sẽ phù hợp với tập tục ở địa phương nhà gái hơn, tránh gây hiểu lầm không đáng có.
Kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa khi đãi tiệc như thế nào?
Việc đãi tiệc cùng nhau khi hai gia đình ở xa gần như là không thể. Hai gia đình có thể đãi tiệc riêng tại tư gia. Dù tổ chức tiệc cưới ở hai nơi khác nhau, phần cỗ bên phía nhà trai vẫn là chủ yếu. “Cỗ cưới của tôi được tổ chức ngay khi đón dâu về. Vì đường đi lại xa, ai nấy cũng đều khá mệt mỏi, chúng tôi hạn chế mời nhiều khách, chủ yếu khách tới dự là họ hàng và bạn bè thân thiết. Bạn bè, đồng nghiệp bình thường và hàng xóm có thể mời cỗ trước ngày đón dâu một ngày.”, anh Cương chia sẻ thêm.
Lịch trình cơ bản giúp các cặp đôi bước đầu tưởng tượng và hình dung được trình tự tổ chức tiệc cưới, gồm:
- Tiệc cưới ở nhà gái diễn ra trước hoặc sau khi đón dâu. Nhà gái nên mời nhà trai dùng cỗ nhằm bày tỏ sự tôn trọng và thân tình với đối phương.
- Đoàn nhà gái theo đoàn nhà trai đi đưa dâu và tiến hành tổ chức nghi lễ chính thức. Sau khi hôn lễ kết thúc, gia đình nhà trai sẽ mời đoàn nhà gái ở lại dự tiệc cưới, rồi tiễn họ ra về.
“Thực ra, mình thấy kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa cũng không có gì to tát. Nó thực ra khá đơn giản. Các cặp đôi đừng quá trầm trộng vấn đề quá. Cái chính là hai bên gia đình cần cảm thông, chia sẻ với nhau. Mọi người vui vẻ, vun vén cho con cháu là được. Thêm vào đó, kế hoạch tổ chức đám cưới ở xa nên được hai bên gia đình thống nhất từ sớm, tránh nảy sinh những hiểu lầm làm chậm quá trình tổ chức buổi tiệc.”, chú rể Đình Cương tâm sự.
Trên đây là một vài kinh nghiệm tổ chức đám cưới ở xa. Hy vọng với những thông tin này các cặp đôi có thể có một lễ cưới thật trọn vẹn, hạnh phúc và đầm ấm.