Mỗi một viên kim cương hoàn chỉnh dù là tự nhiên hay nhân tạo thì giá trị của nó không chỉ nằm ở khối lượng lớn, màu sắc độc lạ mà giác cắt của viên đá quý ấy cũng phải thật sự sắc nét. Vậy giác cắt kim cương là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến vẻ đẹp của kim cương? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Giác cắt kim cương là gì?
Giác cắt kim cương hay còn gọi là vết cắt kim cương, là một trong số bốn yếu tố quan trọng của tiêu chuẩn 4Cs do GIA quy định. Yếu tố này đề cập đến vấn đề đánh giá sự tương tác với ánh sáng của các mặt của viên kim cương dựa trên trọng lượng của kim cương so với đường kính, độ dày của đai (ảnh hưởng đến độ bền), tính đối xứng, tỷ lệ và độ đánh bóng của các mặt ấy. Giác cắt kim cương chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến vẻ đẹp và độ lấp lánh của viên kim cương.
Ý nghĩa giác cắt kim cương
Một viên kim cương có giác cắt chuẩn sẽ mang đến tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cho viên đá. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố khó có thể đánh giá nhất trong các yếu tố 4C của kim cương. Một viên kim cương có giác cắt chuẩn của kim cương sẽ đáp ứng được các hiệu ứng hình ảnh mong muốn như:
- Độ rực rỡ cao (Brilliance): Liên quan đến sự phản chiếu của ánh sáng từ môi trường, tạo ra ánh sáng trắng lấp lánh cho viên kim cương.
- Lửa (Fire): Sự tán xạ ánh sáng trắng thành dải ánh sáng nhiều màu sắc giống như các màu sắc của cầu vồng.
- Độ lấp lánh (Scintillation): Là sự tương phản giữa các vùng tối và vùng sáng trong các mặt của viên kim cương để tạo ra sự lấp lánh tuyệt đẹp. độ tương phản càng cao, thì viên kim cương càng lấp lánh.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giác cắt kim cương
Trong tiêu chuẩn 4C của kim cương, giác cắt kim cương là yếu tố duy nhất có thể bị ảnh hưởng bởi bàn tay của con người. Vì thế, một viên kim cương được cho là có giác cắt hoàn hảo dựa trên ba tiêu chí sau:
Độ sâu của giác cắt
Độ sâu của giác cắt là vô cùng quan trọng, nó được tính từ mặt trên cùng đến chóp đáy của viên kim cương. Để mang đến sự phản chiếu ánh sáng tốt nhất thì kích thước của độ sâu phải cân đối với chiều rộng của viên kim cương. Vì vậy, nếu bị cắt quá nông, ánh sáng sẽ thoát ra ở đáy, không phản chiếu lên bề mặt của viên kim cương. Còn nếu quá sâu, không chỉ ảnh hưởng đến độ lấp lánh của viên kim cương mà còn khiến nó trông có vẻ nhỏ hơn so với các viên có cùng trọng lượng.
Đánh bóng bề mặt
Độ bóng của bề mặt sẽ giúp kim cương có độ sáng hoàn hảo hơn. Do đó, các thợ kim hoàn sau khi tạo hình và cắt thành các mặt thì sẽ tiến hành đánh bóng các bề mặt đó.
Một viên kim cương có độ bóng bề mặt hoàn hảo sẽ không chỉ giúp cho ánh sáng từ môi trường xung quanh đi vào và thoát ra một cách dễ dàng mà còn giúp tăng mức độ lấp lánh cho viên kim cương.
Sự đối xứng giữa các mặt
Một viên kim cương có tất cả là 57 mặt và trong quá trình chế tác, người thợ kim hoàn phải cân đo làm sao cho các mặt này có sự đối xứng với nhau đảm bảo các nguyên tắc về mặt toán học để tạo ra một sự cân đối hợp lý nhất. Sự đối xứng giữa các mặt cũng giúp cho quá trình phản xạ, tán xạ ánh sáng của kim cương được diễn ra dễ dàng hơn, viên kim cương có độ lấp lánh cao nhất.
Các bộ phận cấu thành giác cắt kim cương
Một viên kim cương sẽ có 7 phần chính cấu thành, ảnh hưởng đến hình dạng và độ sáng của viên đá. Cụ thể như sau:
- Table: Đây được gọi là mặt lớn nhất của một viên kim cương.
- Crown: Là phần rộng nhất của viên kim cương được kéo dài từ đỉnh của mặt trên cùng đến đai.
- Girdle: Giao điểm của Crown và Pavilion – phần dưới của kim cương dùng để xác định chu vi của một viên kim cương.
- Diameter: Là số đo từ một cạnh của viên kim cương thẳng ngang sang mặt đối diện, hay còn gọi là đường kính đo từ một cạnh dầm.
- Pavilion: Phần dưới cùng hay còn gọi là phần đáy của một viên kim cương, kéo dài từ vỏ Girdle đến Culet.
- Culet: Mặt ở đầu của một viên kim cương, là mặt nhỏ nhất của viên kim cương, song song với Table. Khối culet này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường và được phân loại là “không có” hoặc “nhỏ”.
- Depth: Chiều cao của một viên kim cương được đo từ culet đến table.
Thang đo giác cắt kim cương
Hiện nay, theo tiêu chuẩn GIA, thang đo giác cắt (Diamond cut) gồm có 5 cấp độ. Mỗi cấp độ sẽ được các chuyên gia đánh giá dựa trên các tiêu chí như độ dày, độ bền, tính đối xứng của các mặt, đánh bóng, chất lượng gia công, tỉ lệ các mặt cắt, khối lượng, kích thước… Cụ thể các cấp độ như sau:
Excellent (Hoàn hảo)
Đây là cấp độ các giác cắt hoàn thiện cao nhất, đáp ứng yêu cầu tuyệt đối của tất cả các yếu tố quyết định đến chất lượng của giác cắt. Ở cấp độ này, các mặt của kim cương đối xứng với nhau một cách đồng đều, từ đó viên kim cương sẽ có các vùng sáng và tối được phân bố rõ rệt. Viên kim cương lúc này có sự lấp lánh, độ rực lửa và ánh sáng một cách hoàn hảo nhất.
Very Good (Rất tốt)
Kim cương ở cấp độ này được xác định dựa trên các yếu tố như độ sáng và độ lấp lánh đều rất tốt. Mặc dù tất cả các phần riêng lẻ đều đạt yêu cầu về độ sáng và độ lấp lánh nhưng chất lượng giác cắt, độ cân đối và các tỷ lệ chưa hoàn hảo làm gia tăng độ sáng tối của phần đáy kim cương.
Good (Tốt)
Những viên kim cương với giác cắt tốt (good) có độ sáng và lấp lánh được phản chiếu tốt qua các mặt của viên kim cương. Tuy nhiên, những viên kim cương này có hình ảnh “splintery – sớ sợi”, nguyên nhân có thể là do độ cao phần trên cao hơn và góc phần trên hơi dốc kết hợp với các giác gờ dưới khá dài. Nhìn chung, vẻ đẹp của những viên kim cương này cũng khá tốt nhưng vẫn có giá thành thấp hơn.
Fair (Trung bình)
Khi những viên kim cương có độ lấp lánh bị giới hạn, chúng sẽ được xếp vào cấp độ này. Ánh sáng của những viên kim cương này hầu như bị thoát ra ở đáy, do đó phần bề mặt chỉ thoát ra một chút ánh sáng làm giảm đi độ rực lửa và lấp lánh của viên đá. Nếu bạn có ý định mua kim cương có giác cắt Fair (trung bình) thì nên mua trọng lượng thấp để làm những viên đá phụ.
Poor (Kém)
Những viên kim cương có độ cắt kém hầu như bị giới hạn độ lấp lánh, thậm chí là không có độ lấp lánh, sáng chói hay rực lửa. Nguyên nhân có thể do các góc cắt phần trên nông kết hợp với nhau và góc cắt phần đáy không sâu dẫn đến việc hình ảnh viên đá khi nhìn trực diện bị tối, không có độ tương phản.
Các loại giác cắt kim cương
Hiện tại có tất cả 10 kiểu giác cắt kim cương được yêu thích và trở nên phổ biến trên thế giới, cụ thể các giác cắt kim cương sau:
Round – Giác cắt tròn
Đây là giác cắt phổ biến nhất khi chế tác các loại đá quý và cũng là giác cắt được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Kim cương khi ở dáng Round sẽ có tổng là 58 giác cắt – đây là số lượng phản chiếu nhiều nhất ánh sáng của viên đá quý. Đồng thời kiểu giác cắt này có thể che các khuyết điểm và phù hợp với hầu hết các thiết kế. Chính những ưu điểm này của giác cắt tròn mà chúng luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho mọi khách hàng yêu thích và đam mê trang sức kim cương.
Princess – Giác cắt kim cương công chúa
Princess – Giác cắt kim cương công chúa hay còn gọi là giác cắt hình vuông góc nhọn, là giác cắt được phát triển dựa trên giác cắt tròn truyền thống. Đây cũng là hình dạng phổ biến thứ hai sau kim cương tròn và thường có từ 50 đến 58 vết cắt với đặc điểm nhận dạng là 4 góc vát, từ đó mang đến sự tán xạ ánh sáng cao không thua gì hình tròn.
Emerald – Giác cắt Ngọc Lục Bảo (kiểu hình chữ nhật)
Giác cắt này vốn dành cho chế tác Ngọc Lục Bảo nhưng dần được sử dụng rộng rãi trong chế tác kim cương. Giác cắt kiểu này bao gồm 57 mặt là các hình chữ nhật thuôn dài được bo góc xếp chồng lên nhau giúp phản chiếu ánh sáng theo hiệu ứng gương mang lại cho viên kim cương một vẻ rạng rỡ đặc biệt.
Asscher – Giác cắt hình vuông xếp tầng
Đây là kiểu giác cắt được anh em nhà Asscher (Hà Lan) giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1902, là kiểu pha trộn giữa giác cắt Emerald và giác cắt vuông. Asscher với đặc điểm là các hình vuông xếp tầng nhau mang đến nét đẹp tinh tế mà không kém phần sang trọng cho viên kim cương.
Marquise – Giác cắt hình hạt thóc
Cái tên này có từ thời vua Louis XIV của Pháp, một người có niềm đam mê với kim cương. Ônh đánh giá giác cắt này có thể so sánh với vẻ đẹp nụ cười của nữ hầu tước Jeanne Antoinett Poisson. Với hình dạng thon dài và nhọn 2 đầu giống với hình hạt thóc mang đến sự phản chiếu ánh sáng cực kỳ tốt và giúp ngón tay của những người đeo chiếc nhẫn kim cương có cảm giác thon dài hơn.
Pear – Giác cắt quả lê
Giác cắt này là sự kết hợp của hai bề mặt cắt là Round và Marquise. Kiểu cắt này khá độc lạ khiến nhiều người liên tưởng đến hình dạng của quả lê với hình dạng có đỉnh nhọn, thuôn tròn về đáy, phần vai và hai bên sườn tạo thành các đường cong đối xứng và đồng đều mang đến vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng vô cùng sang trọng.
Oval – Giác cắt hình bầu dục
Kim cương có giác cắt Oval – hình bầu dục bao gồm 58 mặt, với hình dạng thon dài giúp bàn tay người đeo trông dài hơn. Những viên kim cương được cắt hình bầu dục có độ sáng gần giống như hình tròn nên chúng thường mang nét đẹp hiện đại kết hợp với sự hoài cổ vô cùng lạ mắt.
Heart – Giác cắt trái tim
Kim cương có giác cắt trái tim sẽ có 58 mặt cắt chính. Đây là giác cắt mang ý nghĩa về tình yêu và hạnh phúc, thường được sử dụng trong thiết kế các nhẫn đính hôn và nhẫn cưới. Tuy nhiên, các ngạnh của hình dạng này dễ bị gãy và sứt mẻ nên chúng cũng có giá thấp hơn 13-26% so với dáng tròn.
Giác cắt chữ nhật tròn góc (Cushion)
Hình dạng của viên kim cương được cắt theo kiểu này giống như một chiếc gối (Cushion). Giác cắt này trở nên phổ biến trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và tính đến nay cũng đã gần 200 năm tuổi. Kim cương kiểu Cushion truyền thống có mức độ phản chiếu ánh sáng tương đối tốt.
Giác cắt hình vuông (Radiant)
Đây là một trong những đường cắt mang đến cho viên kim cương vẻ đẹp lấp lánh nhất có thể. Vậy kim cương có bao nhiêu giác cắt khi ở dạng Radiant có số lượng mặt cắt lớn, lên tới 70 mặt cắt độc đáo, giúp viên kim cương Radiant hấp dẫn mọi ánh nhìn.
Vậy trong số các giác cắt kim cương thì giác cắt kim cương nào đẹp nhất?
Trên thực tế, mỗi kiểu cắt sẽ luôn có những đặc điểm, tính chất và những ưu nhược điểm riêng. Mỗi loại giác cắt vẫn sẽ làm cho viên kim cương có vẻ đẹp lấp lánh và rực rỡ nhất, vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn đánh giá giác cắt GIA bằng độ bóng, độ rực rỡ và độ đối xứng. Chỉ là mỗi chúng ta đều có sở thích khác nhau. Trong 10 kiểu cắt phổ biến trên, GIA đánh giá các kiểu giác cắt đẹp sẽ là round, oval, heart,…
Trên đây chính là những thông tin chi tiết về giác cắt kim cương và những lý do giải thích vì sao giác cắt kim cương là yếu tố quan trọng nhất trong tiêu chuẩn 4Cs của kim cương. Có thể thấy, giác cắt kim cương không đơn giản chỉ là hình dáng cắt gọt kim cương mà nó còn quyết định đến độ lấp lánh dưới ánh sáng, tính thẩm mỹ và đặc biệt là giá trị của viên kim cương ấy.