Sở hữu vẻ đẹp tuyệt diệu cùng giá trị kinh tế cao, kim cương được mệnh danh là vua của các loại đá quý. Thông qua các loại báo cáo, giấy chứng nhận mà giá trị của kim cương càng được khẳng định với cơ sở khoa học. Chứng nhận kim cương IGI là một trong số đó. Không quá phổ biến ở nước ta như GIA, nhiều điều thú vị về chứng nhận IGI sẽ được bật mí trong bài viết này.
Đôi nét về IGI và chứng nhận kim cương IGI
Cái tên IGI vẫn còn khá xa lạ tại Việt Nam. Chủ yếu là những người nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu về kim cương mới biết đến.
Tìm hiểu về IGI
IGI là viết tắt của International Gemological Institute (Viện đá quý quốc tế). IGI được thành lập năm 1975 tại Antwerp. Đây là phòng thí nghiệm lâu đời nhất tại Antwerp cũng là phòng thí nghiệm đá quý độc lập lớn nhất thế giới.
Mục tiêu của IGI đặt ra là cung cấp và phổ biến rộng rãi kiến thức kim cương cho cả đối tượng chuyên gia và người tiêu dùng. Đồng thời, IGI vẫn thực hiện các dịch vụ phân loại kim cương cho tất cả các loại kim cương và trang sức đá quý.
Quá trình đánh giá, phân loại kim cương của IGI được đồng bộ về tiêu chuẩn, quy trình tiến hành và mẫu giấy chứng nhận kim cương. Do đó, kim cương được kiểm định ở bất kỳ cơ sở nào đều cho kết quả thể hiện trên chứng nhận kim cương IGI giống nhau.
Văn phòng của IGI đặt ở đâu?
Trụ sở chính của IGI được đặt tại Antwerp (Bỉ) từ ngày đầu thành lập. Trải qua nhiều năm phát triển, hiện nay IGI đã hiện diện ở khắp nơi trên thế giới như New York, Bangkok, Dubai, Thượng Hải,… Theo thống kê, hệ thống văn phòng này đã cấp chứng nhận cho hơn 650 loại kim cương và đá quý.
Ngoài ra, IGI còn có trường học về đá quý với 14 văn phòng. Mỗi năm, hàng ngàn chuyên gia giám định kim cương đã được đào tạo và cấp chứng chỉ tại đây. Đây đã và đang là địa chỉ uy tín được nhiều người tin tưởng lựa chọn để theo học.
Chứng nhận kim cương IGI là gì?
Hiểu một cách đơn giản, chứng nhận kim cương IGI (IGI Diamond Certificate) là giấy chứng nhận hoặc báo cáo được cấp bởi IGI. Một cá nhân, tổ chức có nhu cầu kiểm định kim cương có thể mang tới IGI. Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá, IGI sẽ có kết quả và thể hiện trên giấy chứng nhận. Trường hợp bạn mua kim cương cũng có thể nhìn vào chứng nhận để hiểu rõ hơn về viên kim cương đó.
Các tiêu chuẩn đánh giá kim cương của IGI
Cũng giống với các nhà kiểm định khác, IGI chủ yếu đánh giá kim cương với tiêu chí 4C. Cụ thể như sau:
Carat (Trọng lượng)
Giá trị kim cương liên quan nhiều đến trọng lượng. Tại IGI, mỗi viên kim cương được đo trọng lượng cẩn thận với dụng cụ đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo chính xác số carat nhất.
Color (Màu sắc)
Màu sắc kim cương theo thang đo của IGI được xếp từ D tới Z. Trong đó, D là hạng cao nhất – kim cương không màu còn Z là hạng thấp nhất – kim cương ngả vàng dễ thấy bằng mắt thường.
Để không làm giảm hay tăng giá trị thực của kim cương dựa trên màu sắc, IGI còn tiến hành đo độ huỳnh quang. Thang đo huỳnh quang tính từ “không” đến “mạnh”. Huỳnh quang càng mạnh càng ảnh hưởng đến màu kim cương, chúng làm xỉn màu của viên kim cương đó.
Clarity (Độ tinh khiết)
Về độ tinh khiết, các chuyên gia giàu kinh nghiệm của IGI sử dụng độ phóng đại gấp 10 lần để có kết quả chuẩn nhất. Trên giấy chứng nhận kim cương IGI, độ tinh khiết sẽ thể hiện từ I đến FL. Mức I là nhóm kim cương nhiều tạp chất còn FL chỉ kim cương đạt đến độ trong suốt hoàn hảo, không thấy khuyết điểm cả khi phóng đại.
Cut (Giác cắt)
Đây là yếu tố để đánh giá chất lượng kim cương được cắt ra từ kim cương thô. IGI kiểm tra cả độ bóng mịn, độ cân xứng, tỷ lệ của viên kim cương đó với mức đánh giá từ “kém” (Poor) đến “xuất sắc” (Excellent). Đường cắt càng tinh xảo thì giá trị thẩm mỹ của kim cương càng tăng lên.
Các loại báo cáo, chứng nhận kim cương IGI
Hiện nay, IGI có nhiều bản báo cáo khác nhau thể hiện các khía cạnh của kim cương cũng như các loại trang sức khác. Dưới đây là 4 chứng nhận, báo cáo của IGI phổ biến nhất:
Báo cáo kim cương tách rời (Loose Diamonds Report)
Ở bản báo cáo này, tiêu chuẩn đánh giá kim cương của IGI cũng giống với các đơn vị khác trong ngành như GIA, AGS, HDR, EGL,… Trong báo cáo thể hiện đủ 4C gồm Cut (giác cắt), Color (màu sắc), Clarity (độ tinh khiết), Carat (trọng lượng). Cùng với đó là một số tiêu chí liên quan: Shape (hình dạng), Polish (đánh bóng), Symmetry (đối xứng), Fluorescence (huỳnh quang),… Với những viên kim cương không ở nhóm tinh khiết, trên chứng nhận của IGI sẽ có đồ họa biểu thị các tạp chất tìm thấy.
Báo cáo kim cương Heart và Arrows (Heart and Arrows Diamonds Report)
Sự xuất hiện của những viên kim cương này trên thị trường ngày càng nhiều. Các nhà kinh doanh đá quý lớn tập trung vào dòng sản phẩm này với những lời khen “có cánh” như độc đáo, lớp cắt tinh xảo hiếm có, vẻ đẹp ngoạn mục,… Điều đáng nói là đơn vị luôn được ưu tiên lựa chọn là GIA lại không có loại chứng nhận này. Vì vậy, loại chứng nhận này của IGI chiếm được thị phần lớn. Để đảm bảo kết quả chính xác nhất, IGI dùng kính lúp đá quý Hearts & Arrows kiểm tra đầy đủ các mặt của kim cương.
Báo cáo kim cương màu (Colored Diamonds Report)
Với nhóm kim cương màu (Fancy Diamond) IGI có riêng chứng nhận kim cương IGI để phân loại và đánh giá. Trong đó, IGI cung cấp các thông tin quan trọng cần thiết như màu sắc chuẩn, nguồn gốc, cấp bậc và nhận xét kèm theo.
Sở dĩ phải tách riêng thành một báo cáo vì kim cương màu có những đặc điểm khác với kim cương không màu quen thuộc nên quy trình kiểm tra cũng khác nhau. Đồng thời, với công nghệ hiện đại, việc xử lý thay đổi màu kim cương với những viên kim cương cấp màu thấp rất phổ biến.
Báo cáo kim cương nhân tạo (Synthetic/Lab-Created Diamonds Report)
Xu hướng tìm kiếm sản phẩm đẹp mà đỡ “đau ví”, bao gồm cả kim cương, đá quý ngày càng phát triển. Thực tế, do giá thành dễ chịu hơn nên thời gian gần đây nhiều người chọn kim cương nhân tạo thay vì kim cương tự nhiên.
Bằng việc ứng dụng các kỹ thuật mới, kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm cũng sở hữu vẻ đẹp lấp lánh tuyệt vời. Nên chỉ bằng mắt thường thật sự rất khó để phân biệt kim cương tự nhiên và kim cương nhân tạo. Vậy nên chứng nhận này sẽ giúp người mua xác định được thực chất viên kim cương đó là gì để không bị mất tiền oan. Lưu ý, chứng nhận kim cương nhân tạo giống hệt chứng nhận kim cương tự nhiên, chỉ thêm dòng “Laboratory Grown” nên bạn cần để ý hơn.
Chứng nhận kim cương IGI có đáng tin cậy không?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên hãy cùng so sánh hai nhà giám định IGI và GIA. GIA thường được coi là tiêu chuẩn để so sánh với những đơn vị khác. Về mô hình, IGI là doanh nghiệp gia đình, hoạt động vì lợi nhuận còn GIA là tổ chức phi lợi nhuận. Về đội ngũ nhân viên, IGI có 18 văn phòng với khoảng 650 nhân viên. Trong khi đó GIA chỉ có 14 văn phòng mà tới hơn 3000 nhân viên.
Thực tế, GIA trong thế giới kim cương đã quá nổi tiếng với sự khắt khe trong tiêu chuẩn đánh giá và mức độ tin cậy. Cùng với việc không bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi nhuận nên đánh giá GIA đưa ra hoàn toàn khách quan. Từ những điều này đa số mọi người sẽ kết luận chứng nhận kim cương IGI không đáng tin bằng GIA.
Tuy nhiên, bên cạnh GIA cũng còn những đơn vị giám định khác có tiêu chuẩn khá “mềm”. Vì thế nếu dựa trên sự so sánh giữa các bên giám định để khẳng định chứng nhận kim cương IGI có đáng tin hay không là thiếu khách quan. Do đó, ở vị trí người mua, tốt nhất là bạn nên cẩn trọng với kim cương hay sản phẩm có đính kim cương có chứng nhận của IGI.
Khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để mua kim cương, chắc chắn ai cũng mong nhận được sản phẩm có giá trị xứng đáng. Các báo cáo, giấy chứng nhận là căn cứ xác định sự đáng giá đó. Trên đây là những thông tin về chứng nhận kim cương IGI để bạn tham khảo. Mong rằng chúng hữu ích giúp bạn sở hữu viên kim cương chất lượng và đúng ý muốn.