Khi mua kim cương, đa số chúng ta thường dễ bị phân tâm khi đứng trước vẻ đẹp rực rỡ của loại đá quý này mà đôi khi quên đi một “vũ khí” quan trọng có thể bảo vệ quyền lợi của bạn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đó chính là giấy chứng nhận kim cương. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin quan trọng về các loại giấy chứng nhận kim cương trong nước thông dụng tại Việt Nam.
Thế nào là giấy chứng nhận kim cương trong nước?
Giấy chứng nhận kim cương trong nước là giấy kiểm định, phân tích chất lượng kim cương được các đơn vị ở Việt Nam thực hiện và phát hành. Nếu như trên thế giới có rất nhiều tổ chức giám định kim cương quốc tế uy tín và giấy chứng nhận của họ được sử dụng phổ biến như GIA, AGS, IGI, EGL,… thì ở Việt Nam, tổ chức giám định chuyên nghiệp cũng có chức năng phân loại, đảm bảo chất lượng kim cương và quyền lợi cho người tiêu dùng. Có thể kể đến ba tổ chức giám định chuyên nghiệp cung cấp chứng nhận kim cương trong nước uy tín, tiêu biểu hiện nay là PNJ, SJC, GIV.
Các loại giấy chứng nhận kiểm định kim cương trong nước
Khi giao dịch mua bán kim cương tại Việt Nam, bên cạnh các loại giấy kiểm định kim cương quốc tế như GIA, AGS,… bạn cũng sẽ thấy sự xuất hiện ba loại chứng nhận kim cương trong nước của PNJ, GIV và SJC.
Giấy chứng nhận kim cương PNJ
Giấy chứng nhận kim cương PNJ là một trong ba giấy chứng nhận kim cương trong nước phổ biến nhất, có mức độ uy tín cao nhất hiện nay.
PNJ là từ viết tắt của công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Phu Nhuan Jewelry Joint Stock Company). Đây là một công ty chuyên chế tác và bán lẻ trang sức hàng đầu tại châu Á và giữ vị trí số một trong các phân khúc thị trường trang sức trung, cao cấp ở Việt Nam. Được thành lập vào 1988, cho đến thời điểm hiện tại, công ty đang sở hữu chuỗi 343 cửa hàng trên toàn quốc.
Năm 1996, Trung tâm giám định PNJ được thành lập thuộc sự sở hữu của Công Ty Cổ Phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận. Sau này trung tâm đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên giám định PNJ (PNJL). Sự ra đời của PNJL chính là một bước tiến quan trọng nằm trong chiến lược phát triển của PNJ nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm đá quý của PNJ và góp phần tạo dựng một thương hiệu trang sức đá quý quốc gia với chất lượng ngang tầm quốc tế. Trải qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giám định với đội ngũ chuyên gia giám định có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại nhất, các tiêu chuẩn giám định của PNJL được tổng hợp dựa trên những tiêu chuẩn giám định tốt nhất của các đơn vị kiểm định kim cương trên thế giới hiện nay. Chính vì vậy, PNJL là đơn vị đánh giá đá quý đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng nhận ISO 17025 từ Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO).
Nhìn chung, các tiêu chuẩn kim cương của PNJ luôn theo sát với các đánh giá kim cương của GIA. Trung bình mỗi tháng PNJL sẽ kiểm định hơn 10.000 viên đá quý mà chủ yếu là kim cương. Dưới đây là tiêu chuẩn giám định kim cương của PNJL:
STT |
Tiêu chuẩn giám định |
Nội dung |
1 |
Loại đá |
Kim cương tự nhiên |
2 |
Kích thước |
Từ 3.00 mm trở lên |
3 |
Dạng cắt mài |
Tất cả các dạng cắt mài |
4 |
Màu sắc |
Thang màu tiêu chuẩn: Từ màu D đến Z |
5 |
Độ tinh khiết |
Thang tiêu chuẩn: FL, IF, VVS1-VVS2, VS1-VS2, SI1-SI2, I1-I2-I3 |
6 |
Giác cắt |
Thang tiêu chuẩn: Excellent, Very Good, Good, Fair, Poor (Chỉ thực hiện phân cấp với viên kim cương có dạng cắt mài là Round Brilliant) |
7 |
Tỉ lệ cắt mài |
Đo các thông số tỉ lệ cắt mài viên đá |
8 |
Mài bóng và đối xứng |
Thang tiêu chuẩn: Excellent, Very Good, Good, Fair, Poor (Không thực hiện phân cấp những viên có kích thước từ 3.00 mm đến 3.99 mm) |
9 |
Phát quang |
Thang tiêu chuẩn: None, Faint, Medium, Strong, Very Strong. (Không thực hiện phân cấp những viên có kích thước từ 3.00 mm đến 3.99 mm) |
10 |
Niêm phong |
Tất cả viên đá được PNJLab thực hiện giám định |
11 |
Giấy giám định |
|
Chứng nhận kim cương trong nước SJC
Cùng với PNJ và GIV, SJC cũng là một trong “ba ông lớn” cung cấp dịch vụ giám định và phát hành giấy chứng nhận kim cương trong nước uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
SJC có nghĩa là Saigon Jewelry Company Limited – Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, được thành lập từ năm 1988 với hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc, 3000 cửa hàng liên kết hợp tác và được đánh giá trong top 4 trên 500 doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam.
Các sản phẩm trang sức đá quý của SJC được chia thành hai dòng rõ rệt là dòng trang sức SJC phổ thông với các trang sức thiết kế đẹp phù hợp với mọi đối tượng khách hàng và dòng trang sức cao cấp SJC DIAGOLD với sự có mặt của các thiết kế gắn đá quý sang trọng như Kim cương, Ruby, Sapphire,…
Năm 2010, SJC thành lập Công ty cổ phần giám định Rồng vàng – SJC có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh với các dịch vụ kiểm định đa dạng như dịch vụ kiểm định các loại đá màu, kim loại quý, và trong đó có dịch vụ kiểm định kim cương với nền tảng dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế.
Về kiểm định kim cương, SJC thực hiện theo quy trình kiểm định kim cương của tiêu chuẩn CIBJO và theo các tiêu chí của Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA ) bao gồm:
- Tiêu chuẩn 4C của kim cương,Cân trọng lượng
- Đo kích thước
- Cân tỷ trọng
- Kiểm tra phát quang cực tím
- Đo chiết suất
- Kiểm tra dưới kính hiển vi
- Kiểm tra phổ hấp thu
- Xác định màu sắc
Chứng nhận kim cương trong nước GIV
GIV là từ viết tắt cho Viện Đá quý Vàng và Trang sức Việt – một tổ chức chuyên giám định các loại đá quý, vàng bạc và phân loại kim cương lớn nhất Việt Nam. Các tiêu chuẩn giám định kim cương của GIV cũng dựa trên nền tảng giám định của GIA.
GIV có một quy trình giám định kim cương chuyên nghiệp, tiêu chuẩn và minh bạch. Dưới đây là sơ đồ quy trình kiểm định kim cương của GIV:
- Bước 1: Khách hàng gửi mẫu viên kim cương đến GIV để thực hiện giám định.
- Bước 2: Chuyên viên giám định của GIV nhận mẫu kim cương từ khách hàng và sử dụng bút thử độ dẫn nhiệt để nhận biết có phải là kim cương hay không, phân biệt với các loại đá giống kim cương.
- Bước 3: Tiến hành dùng máy Dscreen để xác định kim cương đã qua xử lý hay chưa.
- Bước 4: Sử dụng kính hiển vi ngọc học để xác định chất lượng cũng như nguồn gốc của viên kim cương.
- Bước 5: Dùng hộp soi màu để xác định chất lượng của kim cương theo tiêu chuẩn GIA và độ phát quang.
- Bước 6: Dùng cân điện tử để xác định trọng lượng của viên kim cương.
- Bước 7: Hoàn tất kiểm định và nhập các thông tin sau khi kiểm định kim cương để gửi đến khách hàng.
- Bước 8: Hoàn tất quá trình, gửi lại mẫu kim cương cho khách hàng cùng giấy chứng nhận kim cương GIV.
Sau khi kiểm định, các thông tin cần thiết sẽ được ghi trên giấy chứng nhận kim cương GIV. Chẳng hạn, nếu là đá quý thiên nhiên, trên giấy sẽ có ghi rõ các thông tin của viên đá và phần ghi chú sẽ không kèm thêm các thông tin khác. Còn nếu là kim cương đã qua xử lý thì trên giấy kiểm định cũng sẽ ghi rõ các thông tin về tính chất của viên kim cương cũng như lưu ý về phương pháp xử lý là gì,… để khách hàng được biết.
Ngoài ra, bạn có thể tra cứu chứng nhận kim cương GIV qua website hoặc dùng mã QR code được cấp trên chứng nhận ở góc bên dưới.
So sánh với các chứng nhận kim cương quốc tế
So với các chứng nhận kim cương quốc tế như GIA, AGS, IGI,… thì chứng nhận kim cương trong nước chỉ có hiệu lực tại Việt Nam, không có hiệu lực khi đem ra nước ngoài. Vì vậy, các viên kim cương có giấy kiểm định trong nước sẽ được coi là chưa qua kiểm định nếu như mang ra nước ngoài kinh doanh.
Xét về độ chính xác, uy tín, giấy chứng nhận kim cương trong nước khó sánh được với chứng nhận quốc tế. Nhưng nếu xét về yếu tố tài chính và sự thuận tiện, bạn có thể cân nhắc tới các tổ chức giám định kim cương trong nước.
Hầu hết các tổ chức giám định kim cương trong nước đều lấy tiêu chuẩn của GIA làm tiêu chuẩn hàng đầu trong việc đánh giá chất lượng của một viên kim cương. Ngoài ra, các quy trình và tiêu chuẩn của AGS và IGI cũng được lấy làm thước đo và bản mẫu để các tổ chức giám định trong nước tham khảo.
Mặc dù trên nhiều phương diện, các tổ chức giám định kim cương trong nước không thể so sánh được với các tổ chức giám định trên thế giới nhưng nhìn chung trình độ kỹ thuật và trang thiết bị của các tổ chức giám định nội địa đã được nâng cấp, cải tiến đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nếu bạn muốn an tâm hơn về chất lượng viên kim cương của mình, hãy gửi viên đá đến các tổ chức giám định kim cương quốc tế để làm giám định.
Quy trình cấp chứng nhận kim cương trong nước
Quy trình cấp chứng nhận kim cương trong nước cho kim cương tại Việt Nam cũng không hề phức tạp. Bạn chỉ cần gửi viên kim cương của bạn đến trung tâm giám định để giám định hoặc có thể liên hệ với họ trực tiếp tại nơi làm việc hoặc kết nối theo hotline, email, website,… Tuy nhiên, đối với việc vận chuyển và giao nhận kim cương, bạn nên đến trực tiếp địa điểm giám định để giao và nhận lại viên đá của mình nhằm tránh các rủi ro vận chuyển.
Thời gian giám định kim cương tùy thuộc vào từng đơn vị và nhu cầu của bạn. Thường thì giám định kim cương ở PNJ sẽ mất khoảng 5-8 ngày, SJC là 10-12 ngày, còn ở GIV nhanh hơn là 1-3 ngày. Bên cạnh đó, các đơn vị còn có dịch vụ giám định cấp tốc áp dụng tối đa 10 viên kim cương/ ngày/ người gửi với thời gian tối đa là 48 giờ.
Sau khi đã nhận được giấy chứng nhận, bạn nên kiểm tra lại mã số và các tiêu chuẩn đánh giá viên kim cương đã thực sự chính xác chưa bằng cách tra cứu trên trang website của công ty với mã số hoặc mã QR được ghi ở trên chứng nhận.
Trên đây là toàn bộ thông tin về các loại chứng nhận kim cương trong nước được cung cấp bởi “ba ông lớn” là PNJ, SJC và GIV. Với việc đầu tư nâng cấp những máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế cùng đội ngũ nhân viên giám định được đào tạo bài bản bởi GIA, giấy chứng nhận của các đơn vị kiểm định Việt Nam cũng có chất lượng gần như tương đương với các trung tâm giám định quốc tế. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi chọn mua những viên kim cương được đánh giá và kiểm định trong nước.