Kim cương vốn là một loại đá quý cao cấp và xa xỉ. Giá cả của kim cương luôn ở mức cao ngất ngưởng, có thể lên tới hàng triệu đô la cho một viên kim cương quý hiếm. Những một vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể kiểm định được giá trị của những viên kim cương đó và kiểm định theo tiêu chuẩn nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu đúng về cách kiểm định kim cương và định giá chúng theo tiêu chuẩn 4C của GIA.
Kiểm định kim cương đạt chuẩn
Kiểm định kim cương là cách để xác định đặc tính và chất lượng của viên kim cương, từ đó chứng minh được giá trị thật sự của chúng là bao nhiêu. Điều này giúp khách hàng đo lường chính xác giá trị của sản phẩm và tránh mua phải hàng giả.
Kim cương kiểm định GIA là gì?
Kiểm định chất lượng của kim cương đòi hỏi một quy trình phức tạp với công nghệ hiện đại. Vì vậy, chỉ có các chuyên gia hay các Viện kiểm định mới có thể kiểm định một cách chính xác nhất. Trong đó, phải kể đến GIA (Gemological Institute of America) – Viện Ngọc học Hoa Kỳ. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận về đào tạo, giám định kim cương, đá màu, ngọc trai và đồ trang sức uy tín hàng đầu trên thế giới.
Về cơ bản, GIA đã xây dựng nên hệ thống kiểm định kim cương theo tiêu chuẩn 4Cs bao gồm 4 yếu tố quyết định đến chất lượng và giá trị của một viên kim cương. Đó là: Màu sắc (color), độ tinh khiết (clarity), trọng lượng (carat) và giác cắt (cut).
Kim cương kiểm định GIA chính là báo cáo hoặc giấy chứng nhận về chất lượng của kim cương có độ khách quan và tin cậy cao, được lưu hành và có giá trị trên toàn thế giới.
Kiểm định kim cương mất bao lâu?
Hiện nay, thời gian kiểm định kim cương tại Việt Nam sẽ diễn ra trong khoảng 48 giờ và kết quả sẽ có ngay sau khi kết thúc quá trình giám định. Thực tế, đây là thời gian để các nghiên cứu viên tiến hành phân tích, tổng hợp và đưa ra những đánh giá chuẩn xác, phù hợp với giá trị của viên kim cương để đưa ra thị trường hoặc đáp ứng theo nhu cầu của người muốn giám định sản phẩm.
Kim cương nhân tạo có giấy kiểm định không?
Kim cương nhân tạo cũng có giấy kiểm định như kim cương tự nhiên. Chúng được chứng nhận bởi GIA và GIV, nhưng không thể sử dụng giấy GRA. Bởi vì GIA và GIV là những đơn vị giám định đá quý chung nên hệ thống giám định không phân tầng. Còn GRA chỉ dành riêng cho giám định Moissanite, đây không phải là kim cương nhân tạo. Nếu bạn có nhu cầu kiểm định kim cương nhân tạo, hãy tìm đến các trung tâm giám định đá quý chung chứ không nên đến những trung tâm giám định moissanite.
Bảng giá kiểm định kim cương mới nhất
Hiện nay, nhu cầu kiểm định chất lượng kim cương ngày càng tăng cao, vì thế chi phí kiểm định cũng là vấn đề được người dùng quan tâm. Dưới đây là bảng giá kiểm định kim cương năm 2023 theo quy định.
Bảng giá kiểm định kim cương có kích thước dưới 10.0 mm
Kích thước kim cương |
Phí kiểm định |
2.5 – 2.99 mm |
60.000 VNĐ |
3.0 – 3.49 mm |
85.000 VNĐ |
3.5 – 3.79 mm |
130.000 VNĐ |
3.8 – 3.99 mm |
160.000 VNĐ |
4.0 – 4.49 mm |
250.000 VNĐ |
4.5 – 4.99 mm |
350.000 VNĐ |
5.0 – 5.39 mm |
420.000 VNĐ |
5.4 – 5.99 mm |
600.000 VNĐ |
6.0 – 6.49 mm |
900.000 VNĐ |
6.5 – 6.99 mm |
1.020.000 VNĐ |
7.0 – 7.39 mm |
1.200.000 VNĐ |
7.4 – 7.99 mm |
1.740.000 VNĐ |
8.0 – 8.29 mm |
2.160.000 VNĐ |
8.3 – 8.59 mm |
2.640.000 VNĐ |
8.6 – 8.79 mm |
3.600.000 VNĐ |
8.8 – 8.99 mm |
4.320.000 VNĐ |
9.0 – 9.29 mm |
5.400.000 VNĐ |
9.3 – 9.59 mm |
6.000.000 VNĐ |
9.6 – 9.99 mm |
6.600.000 VNĐ |
Bảng giá kiểm định kim cương có kích thước từ 10.0 mm trở lên
Kích thước kim cương |
Phí kiểm định |
10.0 – 10.49 mm |
7.800.000 VNĐ |
10.5 – 10.99 mm |
8.400.000 VNĐ |
11.0 – 11.49 mm |
9.000.000 VNĐ |
11.5 – 11.99 mm |
10.200.000 VNĐ |
12.0 – 14.99 mm |
12.000.000 VNĐ |
Định giá kim cương theo tiêu chuẩn 4Cs
Trong quá trình kiểm định kim cương, các chuyên gia sẽ dựa theo tiêu chuẩn 4C của kim cương để đánh giá chất lượng của một viên kim cương. Từ đó sẽ định giá viên kim cương được giám định sẽ ở mức bao nhiêu.
Tiêu chuẩn 4C của kim cương là gì?
Thuật ngữ 4C được người sáng lập GIA Robert M. Shipley đưa ra vào những năm 1940 có nội dung là sự tổng hợp các tiêu chí để đánh giá một viên kim cương. 4C đã dần trở thành tiêu chí chung để đánh giá kim cương ở Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Tiêu chuẩn 4C của kim cương được viết tắt từ 4 tiêu chí mà GIA đưa ra gồm: Giác cắt kim cương (cut), màu sắc kim cương (color), độ tinh khiết của kim cương (clarity), trọng lượng (carat). Tiêu chuẩn 4C là các tiêu chí quan trọng nằm trong giấy chứng nhận kiểm định kim cương GIA.
Chi tiết cách định giá kim cương bằng tiêu chuẩn 4Cs
Tiêu chuẩn 4C của kim cương là một phương pháp được sử dụng phổ biến và tương đối dễ hiểu để đánh giá chất lượng của các viên kim cương hiện nay.
Màu sắc kim cương (color)
Đây là yếu tố quan trọng khi đánh giá một viên kim cương. Màu sắc của kim cương nằm từ thang điểm D cho tới Z (D có nghĩa là hoàn toàn không màu, Z là có màu vàng nhạt).
Nếu viên kim cương của bạn nằm trong nhóm màu D đến F (kim cương không màu và gần như trong suốt) sẽ là viên kim cương hoàn hảo.
Nếu nằm trong nhóm màu G đến J (kim cương gần như không màu), là viên kim cương có chất lượng tốt.
Nhóm màu từ K đến M (kim cương có màu nhẹ, thường là màu vàng nhẹ hoặc nâu nhẹ, có thể nhận biết bằng mắt thường) sẽ có giá khá thân thiện với ngân sách.
Nhóm màu từ N-Z (kim cương màu vàng hoặc nâu), giá trị sẽ thấp hơn so với các nhóm khác.
Ngoài ra, kim cương trong tự nhiên cũng tồn tại nhiều màu sắc khác như kim cương đen, kim cương đỏ, kim cương xanh, kim cương vàng,… Do đó, màu sắc không phải là yếu tố tiên quyết, quyết định đến chất lượng của một viên kim cương.
Độ tinh khiết của kim cương (clarity)
Độ tinh khiết hay còn gọi là độ trong của kim cương trong tiêu chuẩn 4C được dùng để chỉ mức độ các tạp chất bên trong và tì vết bên ngoài viên kim cương. Cụ thể, để đánh giá độ tinh khiết của kim cương, các chuyên gia sẽ dựa vào các yếu tố như: số lượng, kích thước, mật độ, độ nổi, tính chất, vị trí của các tạp chất bên trong và tì vết bên ngoài. Và việc đánh giá này được thực hiện dựa trên kết quả quan sát viên kim cương dưới kính lúp có độ phóng đại 10x trong phòng lab.
Theo GIA, độ trong suốt của kim cương theo thang đo có 6 hạng mục với 11 thang điểm được đánh ký hiệu, cụ thể như sau:
- Flawless (FL) – Hoàn mỹ và Internally Flawless (IF) – Hoàn hảo bên trong: Những viên kim cương này không có tạp chất và tỳ vết nào được nhìn thấy dưới độ phóng đại của kính lúp 10x.
- Very, Very Slightly Included (VVS1 and VVS2) – Rất rất ít tỳ vết bên trong: Các tạp chất bên trong những viên kim cương này rất nhỏ, nhỏ đến mức ngay cả chuyên gia đánh giá kim cương đã được qua đào tạo cũng có thể gặp khó khăn khi xác định các tạp chất. Bởi chúng thường chỉ là một điểm nhỏ hoặc một đám mây mờ khi được nhìn qua kính lúp 10x.
- Very Slightly Included (VS1 and VS2): Các tạp chất nhỏ dễ hoặc khó nhìn thấy dưới độ phóng đại của kính lúp 10x. Các tỳ vết hoặc tạp chất có thể là các đầu kim (needle) và vết lông vũ nhỏ (small feather).
- Slightly Included (SI1 and SI2): Đây là những viên kim cương có tạp chất và tỳ vết có thể nhìn thấy rõ ràng khi soi kính lúp cầm tay nhưng mắt thường không thể nhìn thấy được.
- Included (I1, I2, and I3): Viên kim cương loại này có các tạp chất có thể lớn hơn trong tự nhiên, có thể sẫm màu và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tạp chất này có thể ảnh hưởng đến độ trong suốt và độ sáng của viên kim cương.
Giác cắt kim cương (cut)
Giác cắt hay còn gọi là đường cắt, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của một viên kim cương trong các tiêu chuẩn 4C. Bởi nó có ảnh hưởng lớn đến các đặc tính vật lý và sự phản chiếu ánh sáng của kim cương. Mỗi một viên kim cương hoàn hảo đều được cắt mài theo tiêu chuẩn để tạo ra tỷ lệ, sự đối xứng và độ bóng mang đến sự khúc xạ ánh sáng.
Chất lượng chế tác được GIA chia thành 5 độ như sau:
- Excellent (EX): Tuyệt hảo
- Very Good (VG): Rất tốt
- Good (GD): Tốt
- Fair (FR): Trung bình
- Poor (PR): Kém.
Trọng lượng kim cương (carat)
Giá của một viên kim cương tăng theo trọng lượng carat. Trọng lượng carat của kim cương được xác định bằng cách cân viên kim cương trên một chiếc cân điện tử có độ chính xác cao.
Thông thường khi cân kim cương, số carat sẽ được giữ hai số thập phân cuối cùng. Ví dụ, một viên kim cương một nửa carat sẽ được biểu thị bằng 0.50 (carat), một viên kim cương một carat sẽ được biểu thị bằng 1.00 (carat). Việc tính trọng lượng như vậy có ảnh hưởng lớn đến việc định giá. Bởi một viên kim cương nặng 0,99 carat vẫn có giá thấp hơn một viên kim cương nặng 1.00 carat. Nếu nhìn bằng mắt thường bạn sẽ không phân biệt được sự khác biệt của hai viên kim cương này.
Những viên kim cương lớn thường rất hiếm nên giá của chúng sẽ dựa theo trọng lượng carat và vì thế thường những viên kim cương như vậy sẽ có giá cao hơn. Tuy nhiên, nó vẫn phải phụ thuộc vào 3 yếu tố còn lại là màu sắc, độ tinh khiết và chất lượng chế tác để quyết định giá trị cuối cùng.
Tóm lại, trong kiểm định kim cương nói chung, 4Cs là một tiêu chuẩn mà trong đó mỗi yếu tố đều có mức độ quan trọng riêng để góp phần đánh giá giá trị và giá cả của một viên kim cương. Có thể nói, kim cương là một vật phẩm có giá trị và quý hiếm, vì thế hãy là người tiêu dùng thông thái với con mắt tinh tường cùng những kiến thức về kim cương đầy đủ để sở hữu được những viên kim cương thiên nhiên cũng như trang sức đính kim cương thiên nhiên có chất lượng đúng chuẩn.