Kim cương là loại đá quý hiếm và có giá trị cao nhất trên thị trường kim cương đá quý hiện nay. Nếu muốn sở hữu một viên kim cương tự nhiên, chính hãng thì bạn sẽ phải trả một số tiền khá lớn. Nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn khi chưa chắc chắn viên kim cương của mình là thật hay giả, là kim cương tự nhiên hay nhân tạo. Vậy mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây liên quan đến giấy chứng nhận kim cương và một số tiêu chuẩn giám định kim cương mà bạn nên biết.
Vì sao nên mua kim cương có giấy chứng nhận kim cương?
Giấy chứng nhận kim cương là một tài liệu vô cùng quan trọng mà khi mua bán kim cương đều cần phải cung cấp. Có hai lý do quan trọng giải thích cho câu hỏi vì sao bạn nên mua kim cương có giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng của viên kim cương
Trong giấy chứng nhận kim cương các chi tiết của viên đá sẽ được mô tả một cách cụ thể nhất bao gồm: Đường cắt, màu sắc, độ tinh khiết và trọng lượng của viên kim cương. Đây đều là những đặc tính mà người mua thông thường không thể tự mình đánh giá được. Do đó, một số đơn vị trục lợi bằng cách bán những viên kim cương chưa được chứng nhận với những tuyên bố phóng đại về chất lượng của chúng, dẫn đến việc người mua đã mua phải một viên kim cương kém chất lượng. Vì thế, nếu viên kim cương của bạn có giấy chứng nhận từ một phòng thí nghiệm có uy tín thì bạn có thể tự tin rằng bản thân đã sở hữu viên đá quý.
Giấy chứng nhận bảo vệ khoản đầu tư của bạn
Viên kim cương có chất lượng tốt sẽ có giá rất cao lên tới hàng nghìn đô la mỗi carat. Nếu viên kim cương này có được giấy chứng nhận kiểm định kim cương sẽ luôn giữ được giá trị theo thời gian. Khi bạn quyết định bán nó đi, có nhiều khả năng viên kim cương của bạn sẽ được giá hơn mức giá bạn mua ban đầu hoặc bạn có thể đổi được một viên kim cương lớn hơn.
Giấy chứng nhận kim cương là gì?
Giấy chứng nhận kim cương là một loại tài liệu có nội dung mô tả chi tiết các đặc tính riêng có, hình dạng, chất lượng của từng viên kim cương. Trên giấy chứng nhận này sẽ có đầy đủ các thông tin đã được kiểm chứng như: trọng lượng, màu sắc, độ tinh khiết, giác cắt, tính cân xứng,… Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của viên kim cương. Giấy chứng nhận kim cương là cách tốt nhất giúp bạn khẳng định giá trị và đặc tính độc nhất của viên đá quý mà bạn đang sở hữu.
Giấy chứng nhận kim cương được phát hành bởi các cơ quan giám định có đội ngũ chuyên gia đá quý chuyên nghiệp và các kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để kiểm tra từng viên đá riêng lẻ bằng. Trên thế giới có nhiều đơn vị kiểm định và cung cấp giấy chứng nhận kim cương như GIA, HDR, AGS, EGL, IGI,… Ở Việt Nam, có ba ông lớn trong ngành giám định đá quý là PNJ, SJC và GIV.
Các loại giấy chứng nhận kim cương hiện nay
Hiện nay, giấy chứng nhận kim cương được chia thành hai loại chính, đó là giấy kiểm định của các đơn vị giám định uy tín hàng đầu thế giới như GIA, AGS, HRD, EGL, IGI, … và giấy kiểm định từ các trung tâm giám định của Việt Nam như PNJ, SJC, GIV. Dưới đây là các loại giấy giám định kim cương của các tổ chức giám định quốc tế và các nhà phân tích kim cương tại Việt Nam.
Giấy chứng nhận kim cương quốc tế
Có nhiều đơn vị quốc tế có khả năng kiểm định và cấp giấy chứng nhận kim cương. Giấy chứng nhận của các đơn vị này rất được nhiều người tin tưởng và ưa chuộng nhất.
Giấy chứng nhận kim cương GIA
Giấy chứng nhận kim cương GIA là tài liệu được phát hành bởi Viện đá quý Hoa Kỳ (GIA – Gemological Institute of America). Trong ngành kim cương, giấy chứng nhận của đơn vị này được đánh giá cao và khách quan nhất. Bởi cách chấm điểm và các tiêu chuẩn được GIA để đánh giá chất lượng của kim cương khá nghiêm ngặt.
Vốn là phòng thí nghiệm phân loại kim cương lâu đời nhất, lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới, GIA được biết đến với việc tạo ra hệ thống phân loại kim cương phổ biến được gọi là tiêu chuẩn 4C. Tiêu chuẩn này đã trở thành tiêu chuẩn chung để đánh giá chất lượng của một viên kim cương và được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi.
GIA là một tổ chức độc lập nên các thông tin đánh giá về kim cương luôn khách quan, đảm bảo tính chính xác nhất. Và hàng năm, GIA tuyển dụng hàng trăm chuyên gia về kim cương nên đây là nguồn đáng tin cậy cho các báo cáo về kim cương.
Giấy chứng nhận kim cương AGS
Được đánh giá là ngang hàng với GIA có thể kể đến chứng nhận kim cương AGS. AGS – Hiệp hội Đá quý Hoa Kỳ cũng có các tiêu chuẩn kiểm định kim cương tương tự như GIA. AGS là đơn vị đầu tiên cung cấp báo cáo chi tiết về giác cắt của kim cương với mười một tiêu chí theo thang điểm chất lượng giảm dần từ 0-10. Ngoài tiêu chí về giác cắt, các tiêu chí còn lại như màu sắc, độ tinh khiết và carat trên chứng nhận kim cương AGS cũng giống như GIA.
Giấy chứng nhận kim cương HRD
HRD là một tổ chức chuyên giám định kim cương và đá quý chủ yếu ở Châu Âu, hiện có trụ sở tại Antwerp, Bỉ. Giấy chứng nhận kim cương của HRD được xem như một bản báo cáo đầy đủ, đánh giá viên kim cương về cả chất lượng và các thành phần khác nhau. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn trong ngành kim cương đá quý nhận xét thì chứng nhận kim cương của HRD không ổn định trong cách chấm điểm và đánh giá kim cương.
Giấy chứng nhận kim cương EGL
EGL là từ viết tắt của European Gemological Laboratory – Phòng thí nghiệm Đá quý Châu Âu. EGL có số lượng tiêu chuẩn chấm điểm ít và tính nghiêm ngặt không cao nên một số đơn vị kinh doanh thích sử dụng giấy chứng nhận kim cương EGL vì báo cáo này cho điểm khá hào phóng dẫn đến viên kim cương thường có chất lượng cao hơn và giá trị tốt hơn thực tế. Do đó, một viên đá được chứng nhận bởi EGL có thể không thực sự có chất lượng hoặc giá trị như một viên đá được phân loại bởi GIA hoặc AGS.
Giấy chứng nhận kim cương IGI
IGI là tên viết tắt của Gemological Institute International – Viện Đá quý Quốc tế. Giấy chứng nhận kim cương của IGI thường có tiêu chuẩn thấp hơn các phòng thí nghiệm uy tín như GIA và AGS. Tuy nhiên, IGI cũng cung cấp các báo cáo ở các định dạng khác nhau để đáp ứng nhu cầu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra IGI cũng khá nổi tiếng với hoạt động đào tạo về đá quý.
Giấy chứng nhận kim cương trong nước
Bên cạnh các chứng nhận kim cương quốc tế kể trên, ở Việt Nam có PNJ, SJC và GIV là ba đơn vị giám định uy tín và có tiếng trong giám định đá quý kim cương. Ba nhà kiểm định này cũng đi theo những tiêu chuẩn đánh giá của GIA và công nghệ hiện đại quốc tế nên đã xây dựng được tiếng vang và lòng tin cho người tiêu dùng nội địa. Vì thế, giấy chứng nhận kim cương PNJ, SJC hay GIV cũng có chất lượng gần như tương đương với các trung tâm giám định quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế những viên kim cương được giám định bởi các trung tâm quốc tế như GIA, AGS sẽ có giá cao hơn những viên cùng chất lượng được giám định bởi các trung tâm trong nước. Nhưng bạn nên xem xét về vấn đề tài chính và sự tiện lợi để cân nhắc tới những nhà giám định trong nước khi muốn giám định viên kim cương của mình.
Lưu ý: Việc nâng cấp đánh giá là việc lựa chọn nhà giám định nào sẽ có mức đánh giá cao hơn cho viên kim cương khi chất lượng của nó đang được đặt giữa hai thang điểm.
Các thông tin chung trong chứng nhận kim cương
Tùy thuộc vào các đơn vị kiểm định, báo cáo đánh giá kim cương sẽ có những hệ tham chiếu khác nhau. Nhưng nhìn chung, hầu hết các báo cáo chấm điểm đều chứa các nội dung chính sau:
- Danh tính của hệ thống giám định kim cương
- Mã số của viên kim cương
- Số đo kích thước viên kim cương
- Kim cương tự nhiên hay đã qua xử lý
- Tiêu chuẩn 4C của kim cương bao gồm: Giác cắt (cut), màu sắc (color), độ tinh khiết (clarity), trọng lượng (carat)
- Đặc điểm của viên kim cương: hình dạng, tỷ lệ, độ hoàn thiện
- Hiệu suất ánh sáng: độ phát sáng, huỳnh quang và độ lấp lánh.
Có nhiều báo cáo đánh giá, phân loại kim cương sẽ bao gồm một sơ đồ các tạp chất có thể ảnh hưởng đến vẻ đẹp và độ lấp lánh của kim cương được gọi là sơ đồ tham chiếu. Hầu hết các cơ sở giám định chuyên nghiệp đều khuyến nghị cập nhật báo cáo 5 năm một lần. Trong trường hợp kim cương bị mất hoặc bị đánh cắp, báo cáo đánh giá kim cương đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận dạng.
Tiêu chuẩn 4C trong giấy chứng nhận kim cương
Tiêu chuẩn quan trọng không thể thiếu trong giấy chứng nhận kim cương là tiêu chuẩn 4C. Tiêu chuẩn này được ban hành bởi Viện đá quý Hoa Kỳ – GIA. Tiêu chuẩn 4C quyết định chất lượng và giá trị của một viên kim cương theo 4 yếu tố là: Màu sắc (color), độ tinh khiết (clarity), giác cắt (cut) và trọng lượng (carat).
Màu sắc
Đây là yếu tố quan trọng khi đánh giá một viên kim cương. Màu sắc của Kim cương nằm từ thang điểm D cho tới Z (D có nghĩa là hoàn toàn không màu, Z là có màu vàng nhạt).
Nếu viên kim cương của bạn nằm trong nhóm màu D đến F (Kim cương không màu và gần như trong suốt) sẽ là viên kim cương hoàn hảo.
Nếu nằm trong nhóm màu G đến J (Kim cương gần như không màu), là viên kim cương có chất lượng tốt.
Nhóm màu từ K đến M (Kim cương có màu nhẹ, thường là màu vàng nhẹ hoặc nâu nhẹ, có thể nhận biết bằng mắt thường) sẽ có giá khá thân thiện với ngân sách.
Nhóm màu từ N-Z (Kim cương màu vàng hoặc nâu), giá trị sẽ thấp hơn so với các nhóm khác.
Ngoài ra, Kim cương trong tự nhiên cũng tồn tại nhiều màu sắc khác như Kim cương đen, Kim cương đỏ, Kim cương xanh,… Do đó, màu sắc không phải là yếu tố tiên quyết, quyết định đến chất lượng của một viên kim cương.
Độ tinh khiết
Kim cương tự nhiên thường có chứa tạp chất. Vì thế, độ tinh khiết của Kim cương phải dựa vào kích thước, số lượng, độ nổi, vị trí, tính chất của các tạp chất bên trong và tì vết bên ngoài. Do vậy, viên kim cương càng ít tạp chất và tì vết càng nhỏ thì giá trị sẽ cao hơn.
Giác cắt
Đường cắt là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của một viên kim cương vì nó ảnh hưởng lớn đến các đặc tính vật lý cũng như sự phản chiếu ánh sáng của Kim cương. Mỗi một viên kim cương đều cần phải được cắt mài theo tiêu chuẩn để tạo ra có tỷ lệ, sự đối xứng, độ bóng mang đến sự khúc xạ ánh sáng và từ đó tạo ra độ “lấp lánh” đầy quyến rũ.
Trọng lượng
Kim cương lớn thường rất hiếm nên giá của viên kim cương sẽ dựa theo trọng lượng carat và vì thế những viên kim cương to sẽ có giá cao hơn. Tuy nhiên nó cũng phải phụ thuộc vào 3 yếu tố còn lại là màu sắc, độ tinh khiết và chất lượng chế tác để quyết định giá trị như thế nào.
Với những nội dung liên quan đến giấy kiểm định kim cương trên đây, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu hết về tầm quan trọng của loại giấy này khi mua bán kim cương. Kim cương vốn là loại đá quý có giá trị cao và trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị cung cấp kim cương và các sản phẩm đá quý kim cương. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đều đảm bảo chất lượng của sản phẩm với mức độ đáng tin cậy. Vì vậy mà khi mua bán kim cương, trang sức kim cương bạn cần lựa chọn đơn vị thực sự uy tín.