Độ tinh khiết của kim cương là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá sự hoàn hảo của viên kim cương, đồng thời đây cũng là điều kiện giúp định giá viên kim cương là bao nhiêu. Vậy độ tinh khiết của kim cương tự nhiên cụ thể là gì, làm thế nào để có thể lựa chọn được viên kim cương có độ tinh khiết phù hợp nhất?
Tổg quan về độ tinh khiết của kim cương
Độ tinh khiết của kim cương trong tự nhiên được hình thành trong hàng ngàn năm, do đó một viên kim cương tinh khiết cao đi cùng với giác cắt hoàn hảo sẽ là viên kim cương có giá trị rất cao, thậm chí là vô cùng đắt.
Độ tinh khiết của kim cương là gì?
Độ tinh khiết của kim cương (clarity) hay còn gọi là độ sạch của kim cương nằm trong tiêu chuẩn 4C được xác định trong chứng nhận kim cương GIA (Viện Đá Quý Hoa Kỳ) bao gồm: Color, Clarity, Cut & Carat – nhằm đánh giá chất lượng toàn diện của một viên kim cương. Đây là một thước đo định tính mà các chuyên gia sử dụng để đánh giá các bao thể (tạp chất) bên trong và tì vết bên ngoài của mỗi viên kim cương. Độ tinh khiết của kim cương phụ thuộc vào số lượng, kích cỡ, vị trí của tạp chất bên trong và kích thước các tì vết bên ngoài. Vì vậy, một viên kim cương càng có ít tạp chất và khuyết điểm thì độ tinh khiết càng cao. Giá trị của kim cương cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi yếu tố này.
Độ tinh khiết của kim cương không thể dùng mắt thường để quan sát được mà phải sử dụng đến các công cụ khoa học kỹ thuật hiện đại như kính lúp, kính hiển vi 10x,… và kinh nghiệm dày dặn của các chuyên gia mới có thể đánh giá được.
Ngoài kim cương trong suốt, độ tinh khiết cũng là yếu tố quan trọng để định giá chất lượng của kim cương màu như kim cương đỏ, kim cương đen, kim cương vàng, kim cương xanh,…
Điều gì ảnh hưởng đến độ tinh khiết của kim cương?
Độ tinh khiết của kim cương bị ảnh hưởng bởi các tạp chất bên trong và tỳ vết bên ngoài viên kim cương. Tùy thuộc vào số lượng, kích cỡ, vị trí, của tạp chất và tỳ vết mà người ta xếp loại kim cương theo bậc thang từ IF (hoàn mỹ) đến I3 (chứa nhiều tạp chất).
Nguyên nhân tạo ra các tạp chất bên trong kim cương là do nguồn gốc hình thành của chúng. Kim cương tự nhiên được hình thành sâu khoảng 80-120 dặm (tức khoảng 130 – 195km) trong lớp vỏ Trái Đất. Trải qua nhiệt độ 1200 độ C và áp suất lớn, các phân tử cacbon liên kết với nhau để tạo thành tinh thể kim cương. Cùng khi đó, các phân tử bên ngoài bị lẫn vào bên trong quá trình hình thành này nên hầu hết các viên kim cương thường không hoàn hảo mà chứa nhiều tạp chất bên trong và các khuyết điểm khác nhau bên ngoài.
Cách xác định độ tinh khiết của kim cương
Để xác định được độ tinh khiết của kim cương, các chuyên gia thường sẽ sử dụng kính hiển vi với độ phóng đại 10x hoặc kính lúp. Khả năng quan sát bằng mắt thường rất hiếm bởi nó gần như không thể xác định những khuyết điểm siêu nhỏ của viên kim cương.
Trong quá trình xác định độ tinh khiết của một viên kim cương, người ta dựa vào 5 yếu tố quan trọng, đó là:
- Số lượng: Là tổng số các đặc điểm có thể nhìn thấy được. Một viên kim cương có ít khuyết điểm có nghĩa là cấp độ tinh khiết cao.
- Kích thước: Là kích thước của khuyết điểm. Nếu khuyết điểm có kích thước lớn hoặc dễ nhìn được bằng mắt thường thì đồng nghĩa với việc độ sạch của kim cương thấp.
- Vị trí: Là vị trí của khuyết điểm nằm ở đâu viên kim cương và có dễ nhận dạng được không? Bởi vị trí của tạp chất ảnh hưởng rất lớn đến độ tinh khiết của kim cương, từ đó dẫn đến độ phản xạ ánh sáng cũng bị ảnh hưởng.
- Tính chất tự nhiên: Tính tự nhiên cũng liên quan đến loại tạp chất bên trong kim cương là gì và ảnh hưởng đến độ bền của kim cương.
- Màu sắc và độ nổi: Đây là thước đo mức độ dễ nhìn thấy của một khuyết điểm trên viên kim cương hoặc so sánh giữa viên kim cương có các tỳ vết này cùng với các viên kim cương khác.
Độ tinh khiết của kim cương quan trọng như thế nào?
Độ tinh khiết của kim cương là một yếu tố vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng tới nhiều mặt đánh giá của một viên kim cương.
- Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của kim cương: Một viên kim cương có chứa nhiều tạp chất, chẳng hạn như những viên kim cương thuộc nhóm SI2, I1, I2, I3 có thể nhìn được dễ dàng tạp chất bên trong bằng mắt thường thì chắc chắn độ lấp lánh của kim cương sẽ bị giảm đi đáng kể.
- Ảnh hưởng đến độ bền của kim cương: Các tạp chất bên trong cùng những vết xước hoặc nứt vỡ ở bên ngoài cũng khiến cho độ bền của kim cương bị ảnh hưởng rất nhiều.
- Ảnh hưởng đến giá thành của viên kim cương: Độ tinh khiết của kim cương được hình thành trong tự nhiên hàng ngàn năm, vì thế khó có thể kiếm được một viên kim cương hoàn hảo mà không có tạp chất. Độ tinh khiết càng cao cùng với quá trình chế tác hoàn hảo của thợ lành nghề, viên kim cương sẽ có giá trị rất cao.
Thang đo cấp độ tinh khiết của kim cương
Thang đo cấp độ tinh khiết của kim cương chính là một trong bốn tiêu chuẩn quan trọng được GIA (Viện đá quý hoa kỳ) đưa ra để đánh giá chất lượng của kim cương. Từ đó làm cơ sở để định giá các viên kim cương là bao nhiêu. Với độ chính xác cao, thang đo này đã được áp dụng trên toàn thế giới.
Thang phân loại cấp độ tinh khiết của kim cương được GIA chia thành 6 loại và 11 cấp độ tinh khiết. Điểm xếp hạng trải dài từ FL (Flawless – hoàn mỹ) đến I(Included), cụ thể như sau.
Kim cương hoàn mỹ (FL-Flawless)
Những viên kim cương ở nhóm này đều là kim cương không có bất kỳ một loại tạp chất nào ở bên trong và không có một tỳ vết nào ở bên ngoài. Vì thế độ tinh khiết của kim cương thuộc nhóm này được đánh giá là hoàn hảo, không gì có thể so sánh.
Tuy nhiên, tỷ lệ kim cương hoàn mỹ chỉ chiếm dưới 1%. Bởi vì một viên kim cương hoàn mỹ dạng này lại cực kỳ hiếm và người ta gần như không thể tìm thấy một viên kim cương mà 100% không lẫn tạp chất.
Kim cương có độ tinh khiết bên trong hoàn hảo (IF-Internally Flawless)
Độ tinh khiết của kim cương thuộc nhóm này được đánh giá là hoàn hảo, chỉ có một số vết mờ trên bề mặt có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi và không có tạp chất xuyên suốt bên trong. Vì vậy, kim cương nhóm IF có vẻ ngoài cực kỳ đẹp mắt. Tuy nhiên, chúng lại rất hiếm trong tự nhiên nên có giá rất cao.
Kim cương gần như trong suốt – rất rất ít tạp chất (VVS1, VVS2)
Đây là nhóm kim cương có các tạp chất siêu nhỏ, đôi khi các chuyên gia cũng khó có thể nhìn thấy được dưới kính hiển vi có độ phóng đại 10x. Vì vậy, độ tinh khiết của kim cương nhóm này được đánh giá rất cao. Cụ thể là:
- VVS1- Very Very Small Inclusions 1 – rất rất ít tạp chất mức độ 1: Viên kim cương hầu như không phát hiện thấy các tạp chất dưới kính có độ phóng đại 10x.
- VVS2 – Very Very Small Inclusions 2 – rất rất ít tạp chất mức độ 2: Kim cương có mức độ tạp chất và trầy xước rất rất nhẹ, có thể nhìn thấy được dưới kính hiển vi 10x. Vì mức độ tạp chất rất nhẹ nên các chuyên gia cũng phải cần nhiều thời gian để xác định và kết luận.
Kim cương bao gồm rất ít tạp chất (VS1, VS2)
Độ tinh khiết của kim cương thuộc nhóm này được đánh giá trên mức trung bình. Điều này có nghĩa là bên trong viên kim cương vẫn có các tạp chất nhỏ khác nhau được quan sát ở độ phóng đại 10x.
- VS1 – Very Small Inclusions 1 – Ít tạp chất mức độ 1: Kim cương VS1 hầu như không thể nhìn thấy tạp chất dưới độ phóng đại 10x. Đôi khi phải mất một ít thời gian mới có thể xác định được vị trí tạp chất chính xác.
- VS2 – Very Small Inclusions 2 – Ít tạp chất mức độ 2: Các tạp chất của kim cương thuộc VS1 cũng hầu như không thể nhìn thấy dưới độ phóng đại 10x. Vì chúng có thể nằm ở vị trí khó phát hiện.
Kim cương có ít tạp chất (S1, S2)
Độ tinh khiết của kim cương nhóm này được đánh giá ở mức trung bình vì các tạp chất dưới kính hiển vi 10x sẽ được phát hiện ra ngay. Còn nếu tinh mắt, bạn cũng có thể phát hiện được tạp chất của viên kim cương SI2 khi nhìn từ góc bên cạnh.
- SI1 – Small Inclusions 1 – Ít tạp chất loại 1: Các tạp chất của viên kim cương có thể dễ dàng được nhìn thấy dưới kính hiển vi 10x trừ các vết cắt Asscher và Emerald Cuts là khá khó thấy.
- SI2 – Small Inclusions 2 – Ít tạp chất loại 1: Các tạp chất bên trong kim cương có thể dễ dàng được nhìn thấy dưới kính hiển vi 10x và bao gồm cả các vết cắt Asscher và Emerald Cut.
Kim cương có nhiều tạp chất (I1, I2, I3)
Những viên kim cương thuộc nhóm này có độ tinh khiết không được đánh giá cao vì chúng có những tạp chất có thể nhìn thấy được rõ ràng và các tạp chất này có ảnh hưởng lớn đến vẻ đẹp hoàn mỹ của kim cương. Ngoài ra, những viên kim cương như thế cũng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường các tạp chất, do đó giá thành không cao.
Trên đây là thang đo cấp độ tinh khiết của kim cương theo tiêu chuẩn của GIA đưa ra. Ngoài GIA còn có các tổ chức chứng nhận kim cương khác như EGL, AGS, HRD, IGI. Tại Việt Nam, bạn có thể đem kim cương đến PNJ hoặc SJC để đánh giá độ tinh khiết. Vì ở những địa điểm này các giám định viên cũng dựa theo tiêu chuẩn của GIA để đưa ra thang đo độ tinh khiết của kim cương PNJ hay SJC.
Bí quyết chọn kim cương dựa trên độ tinh khiết
Để chọn mua viên kim cương có độ tinh khiết phù hợp nhất thì trước khi mua một viên kim cương, bạn cần một vài lưu ý đến độ tinh khiết của kim cương như thế nào để có được mức giá phù hợp cùng với vẻ đẹp tốt nhất.
Không trả giá quá chênh lệch
Khi có hai viên kim cương chất lượng gần giống nhau, bạn nên trả giá cho chúng gần tương đương với nhau. Vì trong nhiều trường hợp, một viên kim cương VS1 sẽ có độ tinh khiết gần giống như một viên kim cương FL, nhưng chi phí của nó thấp hơn rất nhiều.
Do vậy, thay vì cứ tập trung vào một cấp độ tinh khiết nhất định thì bạn nên chọn cấp độ trong thấp nhất nhưng vẫn thể hiện được là một viên kim cương tinh khiết. Chắc chắn, bạn sẽ cân bằng được ngân sách của mình cho các yếu tố khác cũng ảnh hưởng lớn đến vẻ đẹp của kim cương như màu sắc, giác cắt và trọng lượng carat.
Tập trung tìm kiếm chất lượng tốt nhất
Chất lượng tốt nhất còn phụ thuộc vào hình dạng của viên kim cương, bạn nên tham khảo một số lưu ý dưới đây để có thể tìm kiếm được viên kim cương giá trị nhất:
- Round Cut – kim cương cắt tròn: Viên kim cương được cắt ở dạng này có trọng lượng càng lớn (trọng lượng carat có thể là một yếu tố) thì sẽ dễ nhìn thấy các tạp chất bên trong và dấu vết bên ngoài.
- Đối với kim cương cắt tròn có trọng lượng dưới 1 carat thì cấp độ tinh khiết của kim cương thuộc nhóm VS2 hoặc SI1 sẽ mang lại cho bạn một viên kim cương không khuyết điểm.
- Còn đối với viên kim cương cắt tròn từ 1 carat trở lên thì nhóm kim cương VS1 hoặc VS2 sẽ rất đẹp mắt.
- Kim cương cắt Emerald Cuts, Asscher Cuts và Baguettes: Những viên kim cương được cắt theo những hình dạng này sẽ luôn lộ rõ sự không hoàn hảo. Tốt nhất là bạn nên chọn kim cương thuộc nhóm VS2 sẽ có giá trị tốt nhất.
- Giác cắt là Princess Cut, Oval Cut, Marquise Cut, Brilliant Cut: Những dạng cắt này sẽ này che giấu tốt tạp chất bên trong kim cương hơn các hình dạng khác. Vậy nên bạn có thể chọn SI1 hoặc SI2 để tận dụng tối đa ngân sách.
- Heart – Shape Cut (giác cắt hình trái tim): Với dạng cắt này, bạn nên chọn kim cương có độ trong VS2 hoặc SI1 vì chúng che giấu tạp chất tốt hơn là kim cương được cắt tròn.
Như vậy, với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ được độ tinh khiết của kim cương cũng như những khía cạnh liên quan đến vấn đề này. Nếu như bạn đã từng tìm hiểu về kim cương hay có ý định mua trang sức kim cương thì chắc chắn những kiến thức này sẽ rất có lợi cho bạn để có thể sở hữu được những viên kim cương có chất lượng tốt và giá trị cao nhất.