Kim cương xanh sở hữu vẻ đẹp khó ai có thể cưỡng lại được. Đây cũng là loại kim cương thuộc nhóm quý hiếm hàng đầu thế giới. Dù có nhiều tiền cũng chưa chắc đã mua được một viên kim cương xanh tự nhiên. Sắc xanh kim cương hình thành từ đâu và tại sao chúng lại hiếm có đến như thế, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Tổng quan về kim cương xanh
Thế giới kim cương có rất nhiều màu sắc. Trong đó, kim cương xanh là một trong tứ đại kim cương quý hiếm nhất cùng kim cương các màu hồng, đỏ và tím.
Định nghĩa kim cương xanh tự nhiên
Kim cương xanh tự nhiên là kim cương mang sắc xanh lam mà không qua bất cứ phương pháp xử lý nào. Để xác định chính xác độ tự nhiên của kim cương cần thông qua các bước kiểm định tại GIA. Nếu kết quả được ghi là “Natural” thì đó mới là kim cương xanh tự nhiên. Hai loại kim cương xanh được nhắc đến nhiều nhất là kim cương xanh lam và kim cương xanh lục. Bên cạnh đó là những biến thể màu sắc theo mức độ đậm nhạt của hai sắc xanh trên.
Quá trình hình thành kim cương xanh
Phải mất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm trong lòng đất với điều kiện áp suất và nhiệt độ lớn mới hình thành một viên kim cương. Trong quá trình các nguyên tố cacbon liên kết với nhau xuất hiện một số nguyên tố ngoại lai. Điển hình nhất là boron và nitơ sẽ tạo nên kim cương màu xanh. Ngoài ra, nguyên nhân hình thành sắc xanh (đặc biệt là xanh lá) còn đến từ sự thay đổi cấu trúc cacbon do ảnh hưởng của chất phóng xạ cao như uranium.
Kim cương xanh khai thác ở đâu?
Cũng giống như các loại kim cương hiếm khác, hiện nay kim cương xanh chỉ còn xuất hiện ở một số địa điểm nhất định. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở Nam Phi (mỏ Cullinan) và Úc (mỏ Argyle). Tuy nhiên, trữ lượng cũng vô cùng khan hiếm, ước tính chỉ 0,1% trữ lượng kim cương khai thác mỗi năm. Điều này là nguyên nhân lý giải cho sự quý hiếm của kim cương xanh.
Phương pháp xử lý kim cương xanh
Do kim cương thiên nhiên màu xanh vô cùng hiếm nên đa số kim cương xanh trên thị trường đều là kết quả của quá trình xử lý kim cương không màu. Theo đó, kim cương không màu được xử lý với hóa chất và nhiệt hoặc đặt trong môi trường HPHT. Tùy mức nhiệt và cách thức mà sẽ tạo thành kim cương xanh ngọc hay kim cương xanh lá cây. Người ta cũng sử dụng phương pháp trên để cải thiện màu sắc của một số viên kim cương xanh tự nhiên.
Ý nghĩa của kim cương xanh
Kim cương xanh được săn đón không chỉ bởi sự quyến rũ từ màu sắc mà còn bởi ý nghĩa chúng mang lại. Loại kim cương này vừa có ý nghĩa trong phong thủy vừa mang nhiều ý nghĩa theo văn hóa phương Tây.
Ý nghĩa theo phong thủy
Người Á Đông vô cùng quan tâm đến vấn đề phong thủy khi lựa chọn bất cứ thứ gì, bao gồm cả kim cương. Theo đó, sắc xanh là đại diện cho mệnh Thủy. Trong Ngũ hành, mệnh Thủy tương sinh với mệnh Mộc. Vì thế, kim cương xanh phù hợp với người mệnh Thủy và mệnh Mộc.
Người hai mệnh này sở hữu kim cương xanh sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, thuận lợi trong công việc. Nguồn năng lượng từ loại kim cương này cũng giúp chủ nhân đưa ra quyết định đúng đắn với những việc quan trọng.
Ý nghĩa theo văn hóa phương Tây
Ý nghĩa của kim cương xanh theo văn hóa phương Tây lại phụ thuộc vào màu xanh lam hay xanh lục của chúng.
- Kim cương xanh lam: Xanh lam là màu đặc trưng của bầu trời và nước biển. Đây cũng là màu sắc tượng trưng cho hòa bình, lòng trung thành và sự vĩnh cửu. Không những thế, xanh làm còn là màu của trí tuệ cũng như mang ý nghĩa về sự khởi đầu mới. Người có kim cương xanh trí óc sẽ minh mẫn, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
- Kim cương xanh lục: Màu xanh lục đại diện cho sự trẻ trung và sức sống mãnh liệt. Người phương Tây quan niệm, kim cương xanh lục có khả năng giúp chủ nhân luôn tự tin, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, ánh xanh lá cũng mang đến tài lộc, thịnh vượng cho chủ sở hữu.
Đánh giá kim cương xanh theo tiêu chuẩn 4C
Tương tự như các loại kim cương khác, tiêu chuẩn 4C cũng được áp dụng để đánh giá kim cương xanh. Đây là “kim chỉ nam” của ngành kim cương giúp xác định một cách chính xác chất lượng và giá trị của kim cương.
Màu sắc (Color)
Chất lượng kim cương bị chi phối khá nhiều bởi yếu tố màu sắc. Đương nhiên, điều này cũng không ngoại lệ với kim cương xanh. Màu xanh kim cương dao động với các sắc thái từ xanh lam thuần khiết đến xanh lục lam, xanh lam tím và cuối cùng là xanh lam xám. Màu xám và tím xuất hiện là do nguyên tố hidro. Màu lục được tạo nên là bởi hàm lượng nitơ ảnh hưởng đến cấu trúc cacbon.
Trong tiêu chuẩn màu sắc, chất lượng kim cương xanh còn được xác định theo tông màu và độ rực màu. Nhìn chung với kim cương màu xanh dương, họ màu chính sẽ là màu xanh lam, ánh màu phụ là xanh lục. Với kim cương xanh lục tự nhiên, họ màu chính là màu xanh lá cây, ánh màu phụ là vàng, nâu hoặc xám. Và tất nhiên, giá trị của những viên kim cương màu đậm hơn sẽ cao hơn và có mức giá đắt hơn.
Vì điều này nên nhiều viên kim cương xanh biển, kim cương xanh ngọc và những viên có màu nhạt nói chung sẽ được chế tác để có màu đậm hơn. Phương pháp xử lý chỉ tác động đến màu chứ không làm biến đổi cấu trúc kim cương. Vậy nên giá trị những viên kim cương được xử lý tăng lên cũng xứng tầm với màu sắc chúng đang có. Nhưng người mua vẫn cần lưu ý vì chúng vẫn không thể so sánh với màu xanh đậm tự nhiên vốn có.
Độ tinh khiết (Clarity)
So sánh với kim cương không màu thì độ tinh khiết không quá quan trọng khi đánh giá kim cương xanh. Lý do là bởi tạp chất trong loại kim cương này rất khó nhìn thấy. Ngay cả việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng cũng khá khó khăn để thấy. Vì kim cương xanh có độ tinh khiết loại II.
Sự lựa chọn hoàn hảo nhất là những viên kim cương xanh có thang điểm SI1 – SI2. Vẻ ngoài trong suốt càng tôn lên sắc xanh tuyệt diệu của kim cương. Nhưng không dễ gì để tìm thấy những viên như vậy. Nếu thế khi mua hãy so sánh, viên kim cương nào có độ sạch càng cao thì giá cả cũng tăng theo.
Giác cắt (Cut)
Ngược lại với yếu tố Clarity, giác cắt ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá trị của kim cương xanh. Sau khi cắt, độ rực màu và sự lấp lánh của kim cương xanh mới đạt đến độ cao nhất. Nhưng xét về yếu tố đánh giá thì giác cắt vẫn đứng sau màu sắc.
Không quá khó khăn trong việc cắt, kim cương xanh có thể được chế tác thành nhiều mẫu mã, kiểu dáng từ truyền thống đến cách điệu. Trang sức đính kim cương xanh luôn nổi bật, thu hút và thời thượng dù với thiết kế hiện đại hay cổ điển.
Trọng lượng (Carat)
Song hành cùng yếu tố màu sắc là yếu tố trọng lượng tính theo Carat. Với những viên kim cương xanh cùng màu, trọng lượng càng lớn thì giá càng cao. Kim cương xanh càng nhiều Carat thì sự đắt đỏ của nó cũng tăng theo cấp số nhân.
Giá kim cương xanh là bao nhiêu?
Thuộc nhóm khan hiếm bậc nhất, mức giá kim cương xanh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Dựa trên tiêu chuẩn đánh giá kim cương 4C mà mỗi viên sẽ có giá trị khác nhau tùy thuộc vào chất lượng của chúng.
Hiện nay, giá thị trường cho kim cương xanh nhạt 0,5 Carat ở khoảng 26.000 đô la Mỹ (tương đương hơn 600 triệu đồng Việt Nam). Với kim cương xanh màu đậm hơn, chỉ 0,25 Carat đã có mức giá gấp 3 lần là khoảng 75.000 đô la Mỹ (hơn 1,7 tỷ VNĐ). Thậm chí số tiền cho một viên kim cương màu sắc đậm kích thước lớn hơn có thể lên tới vài triệu hoặc vài trăm triệu đôla.
Top những viên kim cương xanh đắt nhất thế giới hiện nay sẽ minh chứng rõ hơn cho mức giá này:
- The Hope Diamond: Viên kim cương xanh độc nhất vô nhị này vô cùng nổi tiếng trong giới đá quý. Bởi nó nặng tới 45.52 Carat, màu xanh lam đậm, độ tinh khiết ở mức cao VS1. Mức giá cho kim cương Hy vọng là 250 triệu đôla.
- Wittelsbach-Graff: Đây là ví dụ điển hình nhất cho việc cải thiện màu sắc nâng cao giá trị kim cương xanh. Dù hạ Carat xuống (từ 35,56 => 31,06) nhưng màu xanh nhạt được xử lý thành màu xanh đậm đã nâng giá viên kim cương này từ 23,4 lên 80 triệu đôla.
- The Imperial Blue: Viên kim cương với tên Màu xanh hoàng gia này được biết đến là kim cương xanh lam đậm không tì vết có trọng lượng lớn nhất (39.31 Carat). Giá của nó là 79 triệu đôla, nghĩa là gần 2 triệu USD cho mỗi Carat.
Phân biệt kim cương xanh và đá Sapphire
Kim cương xanh lam (hay kim cương xanh biển, kim cương xanh dương) thường bị nhầm lẫn với đá Sapphire. Sapphire hay ngọc lục bảo có giá thấp hơn nên nhiều người lợi dụng điểm này để “tráo đổi” chúng với kim cương xanh. Vì thế, phân biệt được 2 loại đá quý này là lợi thế để bạn không bị lừa và mất tiền oan.
- Xét về tính chất vật lý, kim cương có độ cứng vượt trội hơn so với Sapphire. Nên bạn có thể dùng một kim loại có độ cứng theo thang đo Mohs ở giữa để thử. Loại nào không bị trầy xước thì đó là kim cương xanh.
- Kim cương xanh có khả năng khúc xạ ánh sáng tốt hơn đá Sapphire. Bởi độ chiết xuất của Sapphire ở khoảng 1762 – 1770 trong khi của kim cương xanh lên tới 2417. Vậy nên ở dưới ánh mặt trời hoặc nguồn chiếu sáng mạnh, kim cương xanh sẽ lấp lánh và rực rỡ hơn rất nhiều.
- Màu sắc của kim cương xanh được chuyển từ xanh làm mờ, rất nhạt rồi đến đậm. Sapphire thì chuyển từ xanh da trời nhạt và đậm dần tùy theo nồng độ Titan. Nếu dựa vào màu sắc để phân biệt bằng mắt thường thì rất khó nhận biết. Tốt nhất là bạn nên nhờ đến các chuyên gia hoặc kiểm tra tại phòng thí nghiệm đáng tin cậy.
Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho kim cương xanh một vẻ đẹp đầy quyến rũ. Thế giới đá quý và những người yêu cái đẹp đều chao đảo vì sắc xanh hiếm có khó tìm ấy. Trên đây là bài viết cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về kim cương xanh. Mong rằng bạn đã hiểu thêm về loại kim cương quý giá này và biết tại sao chúng lại hiếm như thế.